Mất nghìn tỷ đồng vốn hoá
Sự cố "xét lại" vấn đề pháp lý chuyển mục đích sử dụng đất của UBND TPHCM đối với 7 khu đất Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) phát triển tại quận Phú Nhuận xảy ra hồi tháng 1/2019, được cho là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu của doanh nghiệp này (HOSE: NVL) giảm mạnh từ 63.200đ còn 57.700đ/cổ phiếu, vốn hóa của Novaland đã mất đi hơn 7.000 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 12/2018, CEO Novaland – Ông Bùi Xuân Huy - đã chi hơn 2.300 tỷ đồng mua 36 triệu cổ phiếu Novaland với giá dao động từ 65.000VND – 68.500VND, nâng sở hữu tại doanh nghiệp này lên hơn 3,9%. Tuy nhiên, động thái này vẫn không "trợ giúp" được cho giá cổ phiếu của Novaland sau thông tin bất lợi. Trong vài chục phiên giao dịch, giá cổ phiếu NVL đều đặn giảm, quanh quẩn trong vùng giá từ 55.000đ đến 57.000đ trong các phiên cuối tháng 3/2019.
Giảm gây sốc nhất là cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1. Sau sự cố ngưng hợp tác với YouTube, cổ phiếu YEG đã giảm liên tục 13 phiên trên thị trường chứng khoán, rớt khỏi mốc giá 100.000đ/cổ phiếu, mất khoảng 64% giá trị.
Trong đợt suy giảm kéo dài này, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - Chủ tịch HĐQT của Yeah1 đã hai lần mua gom tổng cộng 200.000 cổ phiếu YEG, lần đầu vào ngay ngày 4/3 và lần thứ hai vào ngày 12/3, nâng tổng khối lượng cổ phiếu nắm giữ lên 11.431.408 cổ phiếu (chiếm tỉ lệ hơn 36,54%).
Ông Võ Thái Phong (Phó tổng Giám đốc tài chính) và ông Hoàng Đức Trung (thành viên HĐQT) cũng đã “ra tay” mua vào 250.000 cổ phiếu YEG vào các ngày 4/3 và 14/3. Qũy VinaCapital cũng đăng ký mua gom 100.000 cổ phiếu YEG, thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 14/3 đến ngày 13/4.
Tới ngày 18/3, HĐQT của Yeah1 quyết định thông qua việc mua lại tối đa hơn 3,1 triệu cổ phiếu quỹ, thay thế cho phương án chỉ mua lại 600.000 cổ phiếu quỹ (theo Nghị quyết công bố ngày 07/03/2019), mục đích là giảm cổ phiếu lưu hành.
Tuy nhiên, những nỗ lực này không có nhiều tác dụng. Tình trạng “nằm sàn” của YEG vẫn tiếp diễn. Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị vốn hóa của khối lượng cổ phiếu mà các cá nhân lãnh đạo và chính Yeah1 mua vào đã mất trên 50% giá trị.
Đáng lưu ý, việc Yeah1 mua cổ phiếu quỹ chắc chắn sẽ tạo “thiệt hại kép”, kéo giảm lợi nhuận chung của công ty trong năm 2019. Vì về nguyên tắc, Yeah1 phải sử dụng nguồn lợi nhuận chưa phân phối để mua cổ phiếu quỹ và nỗ lực này làm giảm nguồn tiền mặt hoặc giảm nguồn vốn hiện có của công ty. Cũng có phán đoán về việc Yeah1 chỉ tuyên bố, chứ không thực sự mua cổ phiếu quỹ, với mục tiêu trấn an tâm tý nhà đầu tư. Thực hư phán đoán này chưa rõ đến đâu, nhưng 3 phiên liên tiếp gần đây, giá cổ phiếu YEG có dấu hiệu hồi phục và tăng trở lại lên mức 124.000đ trong phiên ngày 26/3/2019.
Đâu là... "giá thực"?
Đối với cổ phiếu của tập đoàn Masan, sau thông tin đồn đoán có liên quan đến việc xây dựng dự thảo tiêu chuẩn nước nắm và sản xuất nước nắm đầu tháng 3/2019, mã cổ phiếu MSN của doanh nghiệp này đã giảm giá mạnh, trong khi trước đó vẫn đang có đà tăng trưởng tốt trên thị trường.
Cụ thể, vào tháng 2/2019, giá MSN đã tăng một mạch từ vùng 77.000đ/cổ phiếu lên xấp xỉ 90.000đ/cổ phiếu, tương đương tăng khoảng 17% giá trị. Đến giữa tháng 3/2019, dù có diễn biến trồi sụt, song cổ phiếu MSN vẫn đạt được mức tăng gần 12%.
Tuy nhiên, tính từ khi những “sóng gió” liên quan tới tiêu chuẩn sản xuất nước mắm truyền thống xuất hiện đến nay, cổ phiếu MSN đã giảm khoảng 4.300đ/cổ phiếu, tương đương gần 5% thị giá. Hơn 5.000 tỷ đồng vốn hóa của công ty cũng theo đó mà “bốc hơi” trên thị trường.
Phản ứng trước sự cố này, Masan chọn cách im lặng. Đây là ứng xử quen thuộc trong nhiều sự cố truyền thông tin đồn liên quan tới Masan, và cũng là giải pháp khôn ngoan, thay vì nỗ lực chống đỡ như các doanh nghiệp khác. Đáng chú ý, trên thị trường, cổ phiếu MSN liên tục được thỏa thuận trong các phiên gần đây. Ngày 15/3, MSN có giao dịch thỏa thuận hơn 7 triệu cổ phiếu với mức giá 86.000đ và 88.600đ/cổ phiếu, tương ứng hơn 602,6 tỷ đồng. Ngày 18/3, MSN tiếp tục có giao dịch thỏa thuận hơn 3,78 triệu cổ phiếu tại mức giá 86.500 đồng, tương ứng giá trị giao dịch hơn 327 tỷ đồng. Tính tổng cộng, cổ phiếu MSN được trao tay hơn 17 triệu đơn vị trong các phiên gần đây, với tổng giá trị thỏa thuận lên tới 1.495 tỷ đồng.
Vào cuối năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam còn chứng kiến phiên giảm sâu của mã MWG (CTCP Đầu tư Thế giới di động). Tính tổng cộng, mã MWG đã mất hơn 6.500 tỷ đồng thị giá, tương đương 5,8%. Sau đó, thị giá cổ phiếu này “bốc hơi” thêm gần 1.300 tỷ đồng do tác động từ tin đồn làm lộ thông tin của hơn 31.000 giao dịch thẻ ngân hàng và hơn 5 triệu email được cho là khách hàng của Thế giới Di động trên một diễn đàn của hacker. Trong các phiên giao dịch mới đây, cổ phiếu MWG liên tục đỏ sàn ở mức 84.000đ/cổ phiếu.
Cũng liên quan đến sự cố giảm liên tục, thị trường từng ghi nhận nhiều cổ phiếu không thể hồi phục. Cổ phiếu CDO của CTCP Tư vấn Thiết kế và Phát triển đô thị giảm sàn 34 phiên liên tiếp, mất tới hơn 91% thị giá, từ mức 37.000đ còn hơn 3.090đ/cổ phiếu. Cuối năm 2018, cổ phiếu này bị hủy niêm yết do chậm công bố thông tin, và xuống giao dịch trên sàn UPCoM với mức giá khoảng 1.000đ/cổ phiếu.
Hay trường hợp cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia giảm sàn liên tiếp 14 phiên, từ mức giá 21,900đ về còn 8,300đ, giá chốt phiên cuối tháng 3/2019 là 16.500đ. Cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành cũng giảm 24 phiên liên tiếp, mất 80% thị giá do liên quan đến gian dối kế toán, giá cổ phiếu chỉ còn 3.600đ/cổ phiếu. Một cổ phiếu khác cũng lâm vào cảnh giảm sàn liên tiếp là ATA của CTCP Ntaco, giảm liên tiếp 11 phiên, mất 44% thị giá, xuống giao dịch tại UpCom với giá hiện nay là 400đ/cổ phiếu.
Về nguyên tắc, tăng, giảm mỗi mã cổ phiếu là điều bình thường của thị trường chứng khoán. Thực tế là khả năng phục hồi về lại mức tăng trưởng ban đầu sau sự cố của mỗi mã cổ phiếu là khá khó khăn, nhưng có thể xảy ra. Khi đối đầu với sự cố giảm giá, tuỳ vào lựa chọn của doanh nghiệp, giải pháp xử lý sẽ được thực thi, như mua lại cổ phiếu hay mua cổ phiếu quỹ, thỏa thuận giao dịch… hay im lặng đi để tập trung vào kế hoạch kinh doanh mới. Tuy nhiên, kết quả ứng xử khi cổ phiếu giảm giá của mỗi doanh nghiệp lại khác nhau. Giá trị thực của cổ phiếu, do thế, là một khái niệm di động, và chưa hẳn đã phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực của doanh nghiệp. Đừng mơ về khái niệm "giá thực" của cổ phiếu.