Vốn đầu tư từ Trung Quốc chưa lớn nhưng "ám ảnh"

(khoahocdoisong.vn) - Trước sự gia tăng đột biến vốn FDI từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần tìm hiểu kỹ về Trung Quốc. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã công bố kết quả nghiên cứu “Một số nhận định về vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam”.

Chưa phải là “tay chơi” lớn

Nghiên cứu này do VEPR phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp Tư nhân quốc tế (CIPE) của Mỹ thực hiện. Kết quả cho thấy vốn từ Trung Quốc vào Việt Nam có hình thái rất đặc biệt: đi qua tổng thầu EPC, chứ không phải chỉ qua FDI và ODA.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), FDI của Trung Quốc vào Việt Nam tăng qua từng năm, nhưng tỷ trọng tương đối nhỏ so với từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Cụ thể, năm 2012, tỷ trọng vốn FDI vào Việt Nam của Trung Quốc (tính cả Hồng Kông) chỉ chiếm 8%.

Đến năm 2019, lượng vốn này có tăng trưởng, đã chiếm 10% tổng vốn FDI vào Việt Nam, tăng cả về quy mô và tỷ lệ, đạt đột biến trong 6 tháng qua. Theo đó, Hồng Kông dẫn đầu với tổng đầu tư 5,3 tỷ USD, Trung Quốc đại lục đứng vị trí thứ ba với 2,29 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư FDI trong nửa đầu năm 2019 vào Việt Nam…

Theo VEPR, “đầu tư của Trung Quốc” là khái niệm rộng, không chỉ gồm các hoạt động do Trung Quốc đầu tư mà gồm cả các dự án EPC do Việt Nam vay vốn nước khác. Theo PGS-TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, Trung Quốc chưa phải là “tay chơi” lớn về đầu tư tại Việt Nam, nếu so với các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Mỗi quốc gia đều có chiến lược đầu tư FDI riêng. Nếu như Nhật Bản thường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, dầu, Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư vào sản xuất nhựa; Hàn Quốc đầu tư vào điện tử, thì Trung Quốc lại chưa rõ ràng vào lĩnh vực nào cụ thể.

Thực tế, Trung Quốc chỉ mới xuất khẩu vốn những năm gần đây, từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế. M&A của Trung Quốc trên thế giới rất nhiều. Cấu trúc của dòng vốn này ra nước ngoài đa phần là châu Á và một số dự án ở châu Âu. Tuy nhiên, rất nhiều chính phủ đang phải xem xét xem có tiếp nhận dòng vốn ODA của Trung Quốc ở một số lĩnh vực hay không, vì nó cũng có những tác động tiêu cực.

Bổ sung thêm vào kết quả nghiên cứu, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, vốn Trung Quốc vào Việt Nam chỉ là người đi sau, đuổi theo Hàn Quốc, Nhật Bản... Tuy nhiên, vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam phần lớn vẫn là “đồn thổi”, chứ chưa có công bố dự án đầu tư tầm cỡ chính thức nào kiểu như SK Hàn Quốc bỏ 1 tỷ USD đầu tư gián tiếp vào VinGroup. Dự án nhỏ cũng chưa có số liệu.

“Trong bức tranh đó, Trung Quốc chưa có sự khác biệt lớn về công nghệ, mật độ vốn. Dòng FDI chưa phải quá lớn. Sự hiện diện của Trung Quốc ở Việt Nam là rõ ràng, nhưng nếu mổ xẻ kỹ thì FDI không phải là vấn đề chính” – ông Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Nhưng tác động xã hội lại là lớn 

Nghiên cứu của VEPR cùng đề cập nhiều đến các vấn đề tồn tại của các nhà thầu Trung Quốc tại Việt Nam. Đó là chậm tiến độ; công nghệ kỹ thuật lạc hậu; những tác động về môi trường... Cụ thể, VEPR dẫn chứng 25/86 dự án thuỷ điện chậm tiến độ. Trong 8 trường hợp chậm do lỗi nhà thầu thì có tới 5 trường hợp có sự tham gia nhà thầu Trung Quốc. Trong số 30 nhà máy đang vận hành thì 19 (63,3%) nhà máy có các phản ánh về vấn đề môi trường. Số lượng nhà máy có ghi nhận tác động xấu tới môi trường, Trung Quốc đứng đầu với 74%, kèm theo là hàng loạt các sai phạm. Đặc biệt, theo VEPR, các khoản vay và dự án thực hiện dưới hình thức EPC gây ra nhiều hệ lụy về dài hạn cho Việt Nam như tác động xã hội, phụ thuộc tài chính, vấn đề môi trường, hiệu quả kinh tế…

Trước các vấn đề nêu ra, nhóm nghiên cứu của VEPR cho rằng, Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động đầu tư của FDI và hoạt động khác liên quan. Không thể ngăn chặn vốn Trung Quốc theo đầu vào, nhưng cần tăng kiểm tra, giám sát thi công và nghiệm thu. Cần xử lý nghiêm những đối tác phía Việt Nam tham nhũng, kiểm tra, giám sát không sát sao các công trình cơ sở hạ tầng.

Chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành ủng hộ nghiên cứu của VEPR. Theo ông, khách quan nhìn chung nghiên cứu là đúng, nhưng kết luận lại hơi bị “ám ảnh”. Ông Thành đặt vấn đề: “Người ta hay nói về vốn Trung Quốc không xanh, không sạch lại đắt nhưng sao vẫn rất nhiều nơi chấp nhận dòng vốn này?”. Cho nên, khi nhìn vào dòng vốn đầu tư Trung Quốc cần nhìn bằng lý trí, bằng thống kê rõ ràng, chứ không dựa vào cảm tính.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, cần tỉnh táo, công bằng hơn khi đánh giá về mối quan hệ kinh tế với nhà đầu tư Trung Quốc. Ông Tuyển thừa nhận, ngay bản thân cũng từng sợ đầu tư Trung Quốc vì nghe đồn nhiều quá, nhất là những định kiến không tốt về dòng vốn Trung Quốc thời gian qua. Tuy nhiên, theo ông Tuyển, bất kỳ nước nào cũng muốn đẩy công nghệ cũ ra nước ngoài, không riêng các doanh nghiệp Trung Quốc. Nhưng quyền chọn dự án, quyền chọn đối tác nhà thầu là ở chúng ta. Quan trọng là chúng ta phải nâng cao trách nhiệm của mình lên trong việc lựa chọn và kiểm soát.

PGS, TS Trần Thị Ngọc Quyên, chuyên gia nghiên cứu FDI Trung Quốc thuộc Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Đại học Ngoại thương cho rằng, nghiên cứu kỹ đối tác Trung Quốc không chỉ là việc của các nhà nghiên cứu, mà là của cả các doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế, Chính phủ Trung Quốc có chính sách dài hạn tìm hiểu hiểu về các nước, trong đó có láng giềng Việt Nam. Yêu cầu đặt ra với Việt Nam là bên cạnh một nước lớn như Trung Quôcs, chúng ta phải hiểu họ giống như họ hiểu chúng ta.

“Khi tôi trao đổi với các doanh nghiệp Trung Quốc, tôi rất bất ngờ vì họ biết rất rất nhiều về Việt Nam. Điều đó cho thấy họ rất chủ động trong tiếp cận thông tin và không bị tác động bởi thông tin chủ quan của một nhóm người. Ta không nên bị ảnh hưởng bởi những thông tin dị ứng với TQ mà phải chủ động trong mọi hoạt động.” - TS Quyên nhấn mạnh.

Theo PGS-TS. Nguyễn Đức Thành, vốn đầu tư từ Trung Quốc không phải là “con ngáo ộp” có thể gây ảnh hưởng bởi nó chịu sự cạnh tranh của các nhà đầu tư nước ngoài lớn hơn rất nhiều. Chúng ta cũng nghe đồn nhiều về M&A của Trung Quốc, hay Trung Quốc đã mua hết bãi biển đẹp của Việt Nam... Chính quyền địa phương cũng biết nhưng không làm gì được vì cũng chỉ do công ty trong nước hoặc một người Việt Nam đứng tên.

Và vì vậy, một số địa phương phải đổi quy hoạch để tránh việc Trung Quốc thao túng, mua bất động sản. Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu thêm về hành vi và mong muốn của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam, để từ đó có những ứng xử phù hợp, đôi bên cùng có lợi.

Theo Đời sống
back to top