Mộ Võ Tánh tại xã Nhơn Hậu, An Nhơn, Bình Định.
Không thích học chữ, chỉ thích học võ
Võ Tánh sinh tại huyện Phước An, tỉnh Biên Hoà (nay thuộc tỉnh Đồng Nai), sau dời về Bình Dương, Gia Định.
Bấy giờ Tây Sơn dấy lên đánh tan chúa Nguyễn ở phương Nam, Nguyễn Ánh phải bôn tẩu qua Xiêm. Anh em Tây Sơn để Nguyễn Lữ trấn thủ Gia Định và xưng là Đông Định vương.
Các sĩ phu ở miền Nam, trong đó có Đỗ Thanh Nhơn, sau này trở thành một trong những “Gia Định tam hùng” lập ra đạo binh Đông Sơn chống lại Tây Sơn. Võ Nhàn là anh trai Võ Tánh ứng nghĩa vào đạo binh này.
Sau Đỗ Thanh Nhơn bị hại, Võ Nhàn cùng chết theo, bà dưỡng mẫu đang nuôi Võ Tánh cũng tìm đường lánh nạn, đem Võ Tánh qua ngụ tại Gò Tre làng Thuận Ngãi tỉnh Gò Công. Bà buôn bán tảo tần nuôi Võ Tánh lúc đó được 10 tuổi, cho đi học chữ, nhưng Võ Tánh không thích học chữ mà thích học võ nghệ. Bà thấy cũng hợp thời nên không ngăn cản.
Lúc này, đời hỗn loạn, giặc cướp nổi lên khắp nơi. Vùng Gò Tre thường bị cướp đánh phá. Võ Tánh sẵn lòng nghĩa hiệp, lại biết võ nghệ nên đứng ra chiêu dụ thanh niên tập hợp chống bọn cướp, bảo vệ thôn làng, đánh bọn cướp nhiều lần thua chạy nên chúng không dám kéo đến Gò Tre nữa. Võ Tánh bắt đầu nổi tiếng từ tay nghĩa hiệp.
Cự tuyệt Nguyễn Lữ, về với Nguyễn Ánh
Nguyễn Lữ nghe tiếng Võ Tánh cho người xuống Gò Công, vào Gò Tre chiêu dụ Võ Tánh, nhưng Võ Tánh cự tuyệt. Nguyễn Lữ tức giận đem binh tới bắt Võ Tánh. Bà dưỡng mẫu trong lúc gấp rút bảo Võ Tánh chui trốn vào đống rơm để bà đối phó với quân Tây Sơn.
Bọn lính tìm không được Võ Tánh nên khảo tra bà dưỡng mẫu nhưng bà một mực nói không biết Võ Tánh đi đâu. Bọn lính đành kéo binh về. Bà dưỡng mẫu bị tra tấn nên mang bệnh mà chết.
Võ Tánh thù hận không cùng liền quy tụ các bạn, chiêu mộ anh hùng, khởi nghĩa tại Gò Tre. Các nhà hào phú trong vùng ủng hộ tiền bạc mua khí giới chống lại Tây Sơn.
Võ Tánh được người bạn là Ngô Tùng Châu, một bậc văn tài nhiều mưu lược ra giúp sức. Ngô Tùng Châu vốn xuất thân là thủ khoa ở huyện Ninh Hoà, tỉnh Bình Thuận, vào Gò Công lánh nạn Tây Sơn kết bạn cùng Võ Tánh.
Bấy giờ Võ Tánh xưng là tướng quân, Ngô Tùng Châu làm tham mưu chỉ huy một đội binh rất có kỉ luật, thường đi “cứu khổ phò nguy” khiến mọi người đều mến phục.
Mấy lần quân Tây Sơn của Nguyễn Lữ kéo đến, đều bị Võ Tánh đánh cho thảm bại phải trở về và sau đó không dám kéo tới nữa. Nhờ vậy dân Gò Công được yên ổn làm ăn.
Khi Nguyễn Ánh ở Xiêm trở về trú tại Vĩnh Long, nghe tiếng Võ Tánh liền sai sứ giả là Trương Phước Giao đem hậu lễ tới triệu. Võ Tánh cùng Ngô Tùng Châu và các bạn đồng lòng hưởng ứng, xem Nguyễn Ánh là chính thống của Chúa Nguyễn phương Nam.
Võ Tánh liền kéo quân qua Vĩnh Long, dâng chúa Nguyễn Ánh một quả gạo và một quả trứng gà để làm lễ ra mắt. Kẻ thị thần thấy vậy thì cười khinh rẻ.
Chúa Nguyễn Ánh biết là Võ Tánh có dụng ý nên tiếp đón niềm nở và hỏi: – Thiên lý cống nga mao, lễ khinh nhơn ý trọng, ta muốn biết ý hậu của tướng quân.
Chúa Nguyễn Ánh đem lời trong Kinh Thi khuyến dụ, Võ Tánh thưa rằng: – Xin chúa ngự xem, hột gạo trắng trong, trứng gà to tròng đỏ lớn. Hai món thổ sản nầy tượng trưng tấm lòng trung dũng của Gò Công, đem kính hiến Chúa.
Nguyễn Ánh cả mừng, xuống ôm Võ Tánh mà rằng: – Thật quả là địa linh nhơn kiệt.
(còn nữa)
TS Nguyễn Thành Hữu