Vỡ phình mạch máu não: Bệnh lý nguy hiểm, không triệu chứng

Nhiều người đột quỵ vào viện được cứu sống mới biết mình bị vỡ phình mạch máu não. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, không có triệu chứng, nhưng nguy cơ để lại di chứng cao thậm chí là tử vong. Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là từ 40 - 60.

Phình mạch máu não (hay còn gọi là phình động mạch não) là hiện mạch máu trong não bị nổi phồng lên. Khi nhìn vào sẽ có cảm giác giống như quả mọng treo trên thân cây. Khi hiện tượng phình mạch máu não bị vỡ ra sẽ gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.

Hôn mê, tử vong vẫn không biết bệnh

Bệnh nhân nữ (54 tuổi ở Hà Nội) đột quỵ trong nhà vệ sinh trong giờ làm việc, sau 20 phút mới được phát hiện và khi được chuyển vào Bệnh viện E T.Ư, bệnh nhân đã hôn mê sâu, đồng tử giãn 2 bên. Chụp cắt lớp cho thấy chảy máu não rất nhiều, nguyên nhân do vỡ phình động mạch thông trước.

Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển mổ ngay. Rất may túi phình đã được kiểm soát an toàn. Sau 2 ngày bệnh nhân cũng có đôi chút tiến triển hơn trước, tự co được chân, giảm đái nhạt.

vo-phinh-dong-mach-nao.jpg
Phim chụp vỡ phình mạch máu của bệnh nhân.

Trước đó, bệnh nhân nữ (68 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội) đột ngột đau đầu dữ dội, chóng mặt, buồn nôn, sợ tiếng động và ánh sáng xung quanh, nhập viện trong tình trạng cấp cứu ở ngày thứ 2. Sau khi chụp chiếu và xét nghiệm, bệnh nhân được xác định bị vỡ phình động mạch não vị trí gốc động mạch thông sau. Rất may bệnh nhân đã được phẫu thuật xử lý thành công túi phình, không có di chứng gì đáng kể.

TS.BS Nguyễn Đức Anh, Phụ trách Khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện E T.Ư cho biết, phình động mạch não là bệnh lý nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh nhập viện không biết mình bị bệnh lý này.

Theo TS.BS Nguyễn Đức Anh, phình động mạch não khá phổ biến nhưng chưa có thống kê tại Việt Nam. Tại Mỹ chiếm tỷ lệ 3 -5% dân số. Bệnh không có triệu chứng và thường được phát hiện khi túi phình đã vỡ, chảy máu hoặc tình cờ khi khám sức khỏe vì một lý do nào đó như đau đầu, chóng mặt, sụp mi… chụp cộng hưởng từ thì mới biết có phình mạch não.

Nguyên nhân bệnh phình động mạch não chưa được biết rõ, nhiều tác giả cho rằng túi phình hình thành do quá trình thoái hóa cấu trúc của thành mạch máu, thành phần elastin (đàn hồi) của thành mạch bị suy giảm. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị phình động mạch não được ghi nhận như: chấn thương, nhiễm trùng, huyết áp cao, hút thuốc, bệnh thận. Một số trường hợp phình động mạch não có yếu tố gia đình.

Nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ

Các chuyên gia cho biết, cùng với dị dạng động tĩnh mạch não, vỡ phình động mạch não cũng là nguyên nhân trong đột quỵ chảy máu não ở người trẻ tuổi. Vỡ phình mạch não hay gây xuất huyết dưới nhện – một loại đột quỵ chảy máu não rất nặng, tỷ lệ tử vong và tàn phế cao. Trung bình 10% bệnh nhân xuất huyết dưới nhện chết trước khi vào viện, 25% chết trong vòng 24 giờ, xấp xỉ 45% chết trong vòng 30 ngày.

vo-phinh-dong-mach-nao-1.jpg
Vỡ phình mạch máu não: Bệnh lý nguy hiểm, không triệu chứng.

Bệnh phình mạch não thường xảy ra ở các đoạn ngã ba hay đoạn phân nhánh của động mạnh do vị trí này, thành mạch thường yếu hơn các đoạn mạch khác. Nguyên nhân gây phình mạch máu não bao gồm: Do tập luyện thể dục thể thao quá sức; Do dùng quá nhiều chất kích thích đặc biệt là cà phê, soda...; Do quan hệ tình dục không đúng cách; Do chấn thương hay các bệnh lý nhiễm trùng khác trên não...; Do bị chèn ép bởi các khối u; Phình mạch bẩm sinh do dị dạng bẩm sinh ở thành mạch...

Nguy cơ phình vỡ động mạch não tăng ở những người có bệnh: Tăng huyết áp; Hút thuốc lá; Rượu, bia; Có bệnh lý xơ vữa mạch máu; Thiếu hụt estrogen ở nữ: Thường sau mãn kinh, làm giảm collagen ở mô, tăng nguy cơ phình mạch não; Hẹp eo động mạch chủ... Đặc biệt, một số bệnh di truyền làm tăng nguy cơ phình động mạch não gồm: Bệnh mô liên kết ví dụ hội chứng Ehler-Danlos; Bệnh thận đa nang; Cường Aldosteron có tính chất gia đình týp 1; Hội chứng Moyamoya; Gia đình có người mắc bệnh...

Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm

TS.BS Nguyễn Đức Anh cho biết thêm, phình động mạch não có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất từ 40 - 60. Hầu hết các phình động mạch não tồn tại không triệu chứng, nên ít được phát hiện trước khi bị vỡ gây đột quỵ chảy máu não. Phình động mạch não có thể vỡ nhiều lần, lần sau thường nặng hơn lần trước và khó biết thời điểm bị vỡ lại. Khoảng 30 - 35% số bệnh nhân bị vỡ chảy máu tái phát trong vòng 2 tuần đầu sau lần chảy máu đầu tiên, 60% trong số vỡ lại đó thường không qua khỏi.

vo-phinh-dong-mach-nao-4(1).jpg
Ca phẫu thuật vỡ phình mạch máu cho bệnh nhân tại Bệnh viện E T.Ư.

Vì vậy, cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh là khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là những người có nguy cơ cao (hút thuốc, tăng huyết áp, có yếu tố gia đình) và những người trên 40 tuổi. Hiện có hai phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến nhất để phát hiện bệnh là chụp cắt lớp vi tính đa dãy mạch não hoặc chụp cộng hưởng từ não và mạch máu não.

Không phải tất cả người bệnh phình động mạch não cần thiết phải điều trị. Nhưng phình mạch máu não nếu không được phát hiện và kiểm soát đúng cách, nguy cơ vỡ túi phình làm tăng tỷ lệ tử vong và thương tật dù được điều trị.

Rất nhiều trường hợp chỉ đau đầu đơn thuần, kèm sốt nhẹ, nhưng khi chụp lên lại phát hiện ra vỡ phình mạch não. Vì vậy, không nên coi thường những biểu hiện dù nhẹ, cần đến bệnh viện khám, không tự ý điều trị tại nhà. Các biến chứng của vỡ phình mạch não có thể gặp như co thắt mạch não, thiếu máu não, phù não, tăng áp lực trong sọ, giãn não thất...

Người bệnh bị phình động mạch não khi có triệu chứng đau đầu đột ngột dữ dội, kéo dài, khác với những lần đau đầu thông thường khác thì cần được khám cấp cứu, chụp cắt lớp não và mạch máu não (brain CTA) để chẩn đoán xác định hoặc loại trừ chảy máu não do vỡ phồng động mạch não.

Biểu hiện của bệnh

Khi túi phồng chưa vỡ: Người bệnh không có triệu chứng gì trong khoảng thời gian dài từ khi hình thành phồng động mạch não. Khi túi phồng lớn dần có thể gây ra một số triệu chứng như đau đầu, sụp mi, nhìn đôi, giảm thị lực, đau tức sau hốc mắt…

Khi túi phồng bị vỡ: Triệu chứng đột ngột xuất hiện là đau đầu dữ dội, đau kéo dài và thuốc giảm đau ít có tác dụng, có thể đau dọc theo cột sống cổ lên đỉnh đầu, kèm theo nôn, có thể co giật, nặng hơn là ý thức chậm chạp, lẫn lộn hoặc hôn mê… một bên chân tay có thể bị liệt, cứng gáy, huyết áp cao 160 - 180mmHg hoặc hơn nữa… Chảy máu tái phát có thể xảy ra sau 3 - 6 giờ, hoặc muộn hơn sau 5 - 7 ngày từ lần chảy máu đầu tiên.

Theo Đời sống
back to top