Virus Marburg nguy hiểm đến mức nào khiến thế giới lo ngại?

Marburg là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus dễ lây lan và có tỷ lệ tử vong rất cao ở người. Ngoài ra, bệnh đáng lo ngại vì có nhiều triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Virus Marburg là gì?

Virus Marburg cùng nhóm với virus Ebola và có cấu trúc ARN. Marburg là một virus thông qua động vật trung gian để gây bệnh, cụ thể là loài dơi ăn quả tại châu Phi Rousettus aegyptiacus. Virus Marburg gây bệnh lẻ tẻ tại các nước cận Sahara như Uganda, Guinea Xích đạo, Congo, Angola… và không gây thành dịch lớn với tỉ lệ tử vong cao có thể từ 30-90%.

Virus Marburg (màu xanh lam), vừa sinh sôi và gắn trên bề mặt của các tế bào bị nhiễm bệnh (màu vàng). - Ảnh: vtv.vn

Virus Marburg (màu xanh lam), vừa sinh sôi và gắn trên bề mặt của các tế bào bị nhiễm bệnh (màu vàng). - Ảnh: vtv.vn

Virus Marburg lây qua đường nào?

Virus Marburg lây từ người sang người qua tiếp xúc gần, dịch cơ thể, đường máu, nước tiểu, nước bọt, mồ hôi, các chất tiết nôn, sữa, dịch ối, tinh dịch…

Ngoài ra khi một số vật dụng chăm sóc người bệnh như quần áo, ga trải giường, bơm kim tiêm, vật dụng y tế… nếu nhiễm virus thì có thể lây sang người. Virus Marburg cũng có thể lây trong phòng thí nghiệm hay nhân viên y tế chăm sóc người bệnh cũng có khả năng nhiễm bệnh.

Virus Marburg thường xuất hiện ở loài dơi ăn quả Rousettus aegyptiacus tại Châu Phi. Ảnh: internet.

Virus Marburg thường xuất hiện ở loài dơi ăn quả Rousettus aegyptiacus tại Châu Phi.

Ảnh: internet.

Bệnh Marburg nguy hiểm như thế nào?

Bệnh do virus Marburg gây ra rất khó chẩn đoán lâm sàng, biểu hiện lâm sàng rất dễ nhầm với các bệnh lưu hành tại vùng đó. Ví dụ như ở châu Phi hay gặp Ebola, sốt vàng, thương hàn, sốt xuất huyết…

Bệnh do virus Marburg gây ra có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2-21 ngày, bệnh nhân có thể xuất hiện các biểu hiện như: Sốt đột ngột, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau người. Ngày thứ 5 có thể xuất hiện phát ban, cảm giác rát trên thân mình. Ngoài ra còn kèm theo buồn nôn, đau ngực, đau bụng, đau họng, tiêu chảy, vàng mắt, có biểu hiện xuất huyết, mê sảng đi vào sốc và dẫn đến suy gan, suy đa tạng có thể gây tử vong.

Các chuyên gia y tế cho biết hiện không có vaccine đặc trị hoặc phương pháp điều trị kháng virus cho căn bệnh này, nhưng việc cung cấp nước cho bệnh nhân và điều trị các triệu chứng cụ thể của người bệnh có thể cải thiện cơ hội sống sót.

Marburg được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1967. Marburg gây sốt xuất huyết bùng phát đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt ở Đức và Belgrade – ngày nay là Serbia. Trong đó có các trường hợp có liên quan đến khỉ xanh châu Phi nhập khẩu từ Uganda. Các trường hợp khác được phát hiện ở Angola, Cộng hòa dân chủ Congo, Kenya, Nam Phi và Uganda, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tổ chức Y tế thế giới thông tin gì về tình hình dịch Marburg?

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, số ca bệnh Marburg được báo cáo chính thức tại Guinea Xích đạo hiện vẫn là 9 ca, với 7 ca tử vong tại 3 tỉnh.

Tuy nhiên, các tỉnh này cách nhau khoảng 150km, cho thấy khả năng virus đã lây nhiễm trên quy mô rộng hơn. Hiện, bệnh Marburg cũng đang bùng phát tại Tanzania.

Theo WHO, bệnh do virus Marburg là một dạng bệnh sốt xuất huyết có tỷ lệ tử vong lên tới 88%.

Các triệu chứng mắc bệnh gồm: sốt, choáng váng, nôn dịch lẫn máu và tiêu chảy. Hiện chưa có vaccine phòng hay thuốc chữa được cấp phép sử dụng với bệnh này.

WHO cho biết đang làm việc với các nhà chức trách và các nhà sản xuất vaccine để tiến hành thử nghiệm lâm sàng tại những nước chịu ảnh hưởng.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Marburg. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Marburg. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Hiện nay bệnh chưa có vaccine hay thuốc kháng virus đặc hiệu để điều trị. Người mắc bệnh do virus Maruburg sẽ phải cách ly nghiêm ngặt và phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ như bù nước điện giải, chống xuất huyết, nếu có biểu hiện suy đa tạng thì cần thở oxy, hồi sức… Tuy nhiên với tỷ lệ tử vong khá cao, thường những người mắc bệnh đều có tiên lượng nặng.

Phòng ngừa virus Marburg thế nào?

Bệnh do virus Marburg gây ra không có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu bằng vaccine nên chúng ta cần phòng bệnh bằng các phương pháp không đặc hiệu như:

- Hạn chế đến các vùng có nguy cơ nhiễm bệnh.

- Tránh tiếp xúc với dịch tiết của các loài dơi ăn quả.

- Không tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

- Nếu tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh thì cần mang bảo hộ lao động (găng tay, khẩu trang, dung dịch sát trùng, khử khuẩn…).

- Phòng lây nhiễm từ người bệnh sang nhân viên y tế hoặc nhân viên trong phòng thí nghiệm./.

Theo Đời sống
back to top