<div> <p>Khi những con ngựa đột nhiên chết ở <span>Thái Lan</span>, trong bối cảnh quốc gia này đang phong tỏa xã hội vì Covid-19, các nhà nghiên cứu lo ngại nguyên nhân xuất phát từ virus trên loài dơi gây ra căn bệnh có thể gây nguy hiểm cho con người, <em>Bloomberg</em> cho biết.</p> <p>“Ban đầu chúng tôi không biết nguyên nhân dẫn đến cái chết của những con ngựa, sau đó chúng tôi phát hiện ra nó đến từ loài ngựa vằn châu Phi đang quá cảnh ở Thái Lan để sang <span>Trung Quốc</span>”, Nopadol Saropala, chủ một trang trại ngựa, cách thủ đô Bangkok khoảng 160 km, cho biết. Trại của ông đã tổn thất 18 con ngựa chỉ trong 9 ngày.</p> <p>Hơn 500 con ngựa đã chết kể từ khi dịch bệnh xuất hiện vào cuối tháng 2. Các mẫu máu được phân tích ở Anh vào tháng 3 xác nhận đó là bệnh ngựa châu Phi (AHS). Dịch bệnh xuất phát từ loại virus chưa gây hại cho con người, nhưng phổ biến ở các giống ngựa, bao gồm ngựa vằn ở châu Phi.</p> <p>Virus lây lan thông qua vết cắn của côn trùng và động vật như dơi hút máu đã bùng phát ở châu Á trong hơn 50 năm. Tuy nhiên, căn bệnh đang tàn phá những trại nuôi ngựa ở Thái Lan đã gửi một tín hiệu khác đến cộng đồng y tế toàn cầu về nguy cơ tiềm ẩn trong việc buôn bán động vật hoang dã.</p> <p>Các thống kê cho thấy, khoảng 70% căn bệnh mới nổi đều là bệnh từ động vật hoang dã lây sang con người.</p> <h3>4 đại dịch lớn đều từ động vật</h3> <p>Biến đổi khí hậu, dân số ngày càng tăng, chủ nghĩa tiêu dùng thích những thứ “độc và lạ”, nghèo đói, xung đột và di cư là những yếu tố trong sự lây lan của các vấn đề sức khỏe toàn cầu ngày nay, một nhóm các nhà khoa học đã viết trên tạp chí y khoa<em> Lancet</em> vào ngày 16/5, kêu gọi một liên minh đa ngành để nghiên cứu về đại dịch Covid-19.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Virus la khien ngua chet hang loat o Thai Lan gay lo ngai dai dich moi hinh anh 1 z_zerba_3.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2020/05/26/znews-photo-zadn-vn_z_zerba_3.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Những con ngựa vằn quá cảnh ở Thái Lan để sang Trung Quốc đã lây bệnh cho ngựa nuôi ở Thái Lan. Ảnh: <em>Reuters.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Kể từ những năm 1980, bốn đại dịch lớn đã càn quét thế giới bao gồm Sars, Ebola, AIDS và Covid-19 đều gắn liền với buôn bán động vật hoang dã. Các loại dịch bệnh tai hại khác liên quan đến động vật như Bluetongue, cúm gia cầm, tả lợn châu Phi đã làm tăng thêm chi phí cho các vấn đề sức khỏe.</p> <p>“Một hệ thống giám sát mạnh mẽ hơn vào các phần của động vật hoang dã, đặc biệt là những nguồn gây ra nhiều loại virus mà chúng ta có thể tiếp xúc sẽ rất hữu ích”, Peter Ben Embarek, nhà khoa học về an toàn thực phẩm và bệnh động vật thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói.</p> <p>Một cuộc điều tra của chính phủ Thái Lan về nguồn gốc của dịch bệnh trên loài ngựa cho thấy những con ngựa vằn nhập khẩu hợp pháp từ châu Phi mang mầm bệnh, nhưng không có triệu chứng.</p> <p>Chúng được phép quá cảnh qua Thái Lan mà không cần kiểm dịch. Khoảng trống về an toàn sinh học này đã được đóng lại vào tháng trước. Một công ty Thái Lan liên quan đến nhập khẩu động vật kể từ tháng 9/2018 đã nhập và bán những con ngựa vằn sang Trung Quốc, theo một tuyên bố của Cục Công viên Quốc gia Thái Lan.</p> <p>“Không ai nghĩ rằng dịch bệnh trên ngựa xuất phát từ châu Phi. Ý nghĩ đầu tiên là một cái gì đó xuất phát từ trong nước”, Siraya Chunekamrai, một bác sĩ thú y ở Bangkok, người đã tham gia vào nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh trên ngựa cho biết.</p> <h3>Hiểm họa từ buôn bán động vật hoang dã</h3> <p>Các chủ trại ngựa ở Thái Lan giờ đây phải chịu thiệt hại kép do Covid-19 và dịch bệnh AHS. Giờ đây những con ngựa không được phép xuất khẩu từ nước này trong ít nhất 2 năm, kể từ ngày nhiễm bệnh, hoặc tiêm phòng lần cuối.</p> <p>Trong khi ngựa vằn được nhập khẩu hợp pháp vì lỗ hổng trong quy định của luật pháp, nhiều quốc gia phải đối mặt với nguy cơ bùng phát vì thị trường chợ đen ngày càng phát triển đối với buôn lậu sản phẩm động vật hoang dã.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Virus la khien ngua chet hang loat o Thai Lan gay lo ngai dai dich moi hinh anh 2 5550048E_858E_44CA_A935_67E52D0B791C_cx0_cy3_cw0_w1023_r1_s.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2020/05/26/znews-photo-zadn-vn_5550048e_858e_44ca_a935_67e52d0b791c_cx0_cy3_cw0_w1023_r1_s.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>4 đại dịch lớn gần đây đều xuất phát từ buôn bán động vật hoang dã. Ảnh: <em>AP.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p><span>Interpol</span> ước tính thị trường chợ đen buôn bán động vật hoang dã trị giá tới <span>20 tỷ USD mỗi năm. Ở Myanmar, quốc gia có chung biên giới với Thái Lan, việc thực thi pháp luật về buôn bán động vật hoang dã rất yếu. </span></p> <p>Điều đó có nghĩa là tê tê, rùa, rắn, bộ phận cơ thể gấu, chim và ngà voi dễ dàng được buôn lậu vào Trung Quốc, Nay Myo Shwe, chuyên gia về nạn buôn lậu động vật hoang dã tại khu bảo tồn động vật Chattin ở Mandalay, miền trung Myanmar cho biết.</p> <p>“Điều đó đặt chúng ta vào nguy cơ rất cao đối với các dịch bệnh mới nổi xuất phát từ động vật hoang dã”, ông Nay Myo Shwe nói. Ông cho biết thêm những người buôn bán động vật hoang dã, các chuyên gia dịch tễ học, cơ quan quản lý và các nhóm hỗ trợ y tế, thú y cần hợp tác với nhau để giảm thiểu nguy hiểm.</p> Mức độ nguy hiểm của đại dịch Covid-19 được cho là bắt nguồn từ loài dơi, đã khiến các chính phủ từ Mỹ đến <span>Australia</span> tăng tiền tài trợ cho các nghiên cứu về mối quan hệ giữa động vật, con người và môi trường để dịch bệnh truyền nhiễm tiềm ẩn phát triển trước khi chúng nhảy loài. <p> </p> <p>“An toàn sinh học toàn cầu là vấn đề mấu chốt. Sau khi dịch bệnh đã bùng phát sẽ rất tốn kém, khó diệt trừ và có thể lây lan sang nước khác”, bác sĩ thú y Mark Schipp, người Australia, chủ tịch Tổ chức Thú y Thế giới nói.</p> <p>“Cần phải xác định bệnh ngựa châu Phi đã lây lan sang ngựa nuôi ở Thái Lan như thế nào là chìa khóa để rút ra các bài học, nếu không có sự thay đổi sâu sắc trong việc buôn bán động vật hoang dã, một đại dịch trong tương lai có thể xảy ra”, bác sĩ thú ý Schipp cho biết thêm.</p> </div>