<div> <p>Cũng theo hồ sơ của doanh nghiệp gửi cơ quan chức năng, trung bình hãng sẽ tăng khai thác thêm 6 máy bay/năm và đến năm 2024 đội bay của hãng sẽ đạt 30 chiếc (bao gồm 21 máy bay thân hẹp và 9 máy bay thân rộng). Đến năm 2026, con số này sẽ là 42 chiếc.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Vinpearl Air muon cat canh tu thang 7/2020 voi 6 may bay hinh anh 1 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/08/12/phamnhatvuong15173716322441220469663(1).jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="caption">Hãng bay của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dự kiến cất cánh vào tháng 7/2020. Ảnh: <em>Forbes.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Trước đó, <span>Sở Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) <span>Hà Nội</span> cho hay đã nhận được văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư kèm theo hồ sơ của Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air.</span></p> <p>Căn cứ theo quy định hiện hành, cơ quan này đã gửi hồ sơ của doanh nghiệp tới các bộ ngành liên quan như các Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên Môi trường, Quốc phòng, Tài chính cùng Sở Tài chính Hà Nội để xin ý kiến.</p> <p>Các bộ ngành sẽ xem xét, có ý kiến bằng văn bản về đề nghị của Vinpearl Air theo nội dung mà bộ ngành mình quản lý và các vấn đề khác cần lưu ý, quan tâm.</p> <p>Sau đó, Sở KH-ĐT Hà Nội sẽ tổng hợp, chuyển UBND TP. Hà Nội để trình Thủ tướng.</p> <p>Về phần Bộ GTVT, cơ quan này đã giao Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu và thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư dự án thành lập Hãng hàng không Vinpearl Air. Bộ yêu cầu cần có thẩm định bằng văn bản gửi về Bộ trước ngày 6/8.</p> <p>Hiện Vinpearl Air chưa công bố bất kỳ thông tin nào về mô hình hoạt động, dàn nhân sự cũng như kế hoạch mua, thuê máy bay. Tuy nhiên theo quy định hiện hành, số vốn đăng ký <abbr class="rate-vnd">1.300 tỷ đồng</abbr> đủ để doanh nghiệp khai thác 30 máy bay khai thác cả chặng nội địa và quốc tế.</p> </div> <p> </p>