Ảnh minh họa. |
Quá tải
Theo thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh khoảng 830 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị khoảng 260 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 92%; khu vực nông thôn khoảng 570 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 71%. Nhiều bãi rác tại tỉnh đang quá tải, đồng thời do thói quen đổ rác bừa bãi của người dân... đã khiến việc thu gom, xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn và đang có dấu hiệu quá tải.
Để giải bài toán này, cùng với tiếp tục triển khai xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung theo quy hoạch được phê duyệt, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường tới người dân.
Đồng thời, giải quyết dứt điểm các bãi rác thải tự phát không theo quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường; kiên quyết xử lý người đứng đầu chính quyền cấp xã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để xảy ra ô nhiễm môi trường; xây dựng mô hình thí điểm bảo vệ môi trường nông thôn, phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; chú trọng nghiên cứu, áp dụng và nhân rộng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện thực tế khu vực nông thôn hiện nay…
Trước nhu cầu cấp thiết phải triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt hiện nay, Thường vụ Tỉnh ủy đã đồng ý chủ trương thực hiện dự án; địa điểm được chọn để xây dựng 2 nhà máy là tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên và xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch.
Theo đó, dự án nhà máy xử lí rác thải sinh hoạt tập trung tỉnh Vĩnh Phúc số 1 được xây dựng tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên. Công suất xử lý 300 tấn rác thải sinh hoạt/ ngày và sẵn sàng mở rộng quy mô, nâng công suất xử lí lên 500 tấn/ ngày. Diện tích sử dụng đất không quá 6ha chưa bao gồm diện tích bãi chôn lấp tro xỉ. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 700 tỷ đồng, theo đó, nhà đầu tư thực hiện dự án phải có vốn chủ hữu để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư dự kiến.
Về tiến độ dự kiến 2019 – 2020. Dự án sử dụng công nghệ đốt – phát điện hiện đang được áp dụng phổ biến tại các nước phát triển. Điện năng được sinh ra một phần sử dụng cho chính các hoạt động của nhà máy, phần còn lại được phát lại lên hệ thống lưới điện quốc gia.
Dự án nhà máy số 2 được đặt tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch với công suất xử lý 250 tấn rác thải sinh hoạt / ngày. Diện tích sử dụng đất không quá 6,5ha ( chưa bao gồm diện tích bãi chôn lấp tro xỉ). Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 260 tỷ đồng. Nhà đầu tư thực hiện dự án phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư dự kiến của dự án tương đương 52 tỷ đồng. Dự án sử dụng công nghệ đốt có thu hồi năng lượng, hệ thống máy móc được xuất xứ tại các nước G7. Công nghệ đồng bộ, tiên tiến, tiết kiệm quỹ đất đáp ứng yêu cầu tại QCVN 61-MT:2016/BTNMT; QCVN 30:2012/BTNMT và các quy định hiện hành khác.
Ưu đãi đầu tư
Toàn bộ các công đoạn của 2 dự án như đốt rác, phát điện, xử lý bụi, mùi, khí, nước thải được thực hiện trong nhà kín với áp suất âm. Nước thải được thu gom, tuần hoàn tái sử dụng, không phát sinh ra môi trường. Tỉnh yêu cầu dự án phải lắp đặt bảng điện tử khổ lớn trước cổng nhà máy công khai kết quả quan trắc bụi, khí thải sau xử lý và trước khi thải ra môi trường để nhân dân giám sát.
Bên cạnh đó, tỉnh xác định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt của 2 dự án tối đa là 370.000đ/tấn, đã bao gồm thuế VAT. Giá dịch vụ xử lí trên được áp dụng tạm thời trong thời gian UBND tỉnh chưa phê duyệt giá dịch vụ xử lí chính thức cho dự án.
Theo quy định, cả 2 dự án này thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước về giải phóng mặt bằng, miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu; được vay vốn ưu đãi và hỗ trợ lãi suất vay; được trợ giá về sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích.
Trước đó, ngày 22/12/2016 của HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 57 về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung thuộc danh mục đặc biệt ưu tiên đầu tư được hưởng các chính sách.
Cụ thể: Hỗ trợ chi phí lập hồ sơ, thủ tục giới thiệu địa điểm, quy hoạch chi tiết 1/500; hỗ trợ đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ chi phí quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, chi phí lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư trực tiếp, chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Trong quá trình lấy ý kiến và xúc tiến đầu tư 2 dự án này đã vấp phải sự phản đối rất lớn từ phía người dân địa phương. Sự phản đối này đã được chuyển tới đại biểu nhân dân xã Trung Mỹ và làm nóng khá nhiều cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương này. Ngay cả khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc kêu gọi đầu tư 2 dự án này thì sức nóng cũng như sự phản đối của nhân dân dường như vẫn chưa giảm nhiệt.