Việt Nam và giấc mơ hệ sinh thái du lịch 4.0

(khoahocdoisong.vn) - Thị trường du lịch toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ với sự lên ngôi của du lịch trực tuyến. Theo khảo sát tại Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội năm 2018, 71% du khách quốc tế tới Việt Nam tham khảo thông tin điểm đến trên internet, và 64% đặt chỗ, mua dịch vụ trực tuyến. Ngành du lịch cần nhanh chóng thực hiện số hóa để thích ứng với xu thế mới.

Giàu lượng, nghèo “chất”

Ông Wong Soon Hwa - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch châu Á Thái Bình Dương (PATA) tại Singapore cho biết, ông khá ấn tượng với tốc độ tăng trưởng du lịch của Việt Nam. Theo đó, lượng khách quốc tế ghé thăm Việt Nam đã tăng với tốc độ đáng thèm muốn: 30% mỗi năm, từ 10 triệu người năm 2016 lên 13 triệu người năm 2017. Tuy nhiên, theo ông Wong Soon Hwa, dù du lịch Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng năng suất khá thấp.

Theo đó, mỗi nhân lực ngành du lịch Việt Nam chỉ tạo ra 3.477 USD/năm. Trong khi ở Thái Lan, mỗi lao động ngành này tạo ra 8.369 USD/năm, ở Singapore là 47.713 USD/năm, lần lượt gấp 2,5 lần và 15 lần Việt Nam. Đó là lý do giải thích vì sao Việt Nam chỉ đứng thứ 67 trên 136 quốc gia trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu, thua xa Singapore (13), Malaysia (26) và Thái Lan (34).

Ông Wong Soon Hwa cũng cho biết, ông đã quay lại Thái Lan hơn 100 lần, nhưng chỉ ghé Việt Nam vài dịp. Khảo sát của PATA cho thấy, chỉ 10-40% khách du lịch cho biết sẽ quay lại Việt Nam, trong khi tỉ lệ này ở Thái Lan lên đến 80%. Trong mắt du khách quốc tế, Thái Lan là điểm đến hấp dẫn hơn, do người dân địa phương nói tiếng Anh trôi chảy và thường xuyên nở nụ cười thân thiện hơn.

Còn bà Vanya Trần – Tổng giám đốc Vietnam Hotel and Resort Investment (đầu tư khách sạn và khu nghỉ dưỡng Việt Nam) cho biết, nhân sự ngành du lịch Việt không chỉ yếu ngoại ngữ, mà còn thiếu nhiều kỹ năng. Cụ thể, trong số 1,3 triệu lao động ngành du lịch hiện nay, chỉ có 42% được đào tạo đúng chuyên ngành, 38% từ các ngành khác chuyển sang, còn 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Nhân lực du lịch Việt đang ở trong tình trạng "cao thiếu, yếu thừa" - theo bà Vanya Trần. Ngay cử nhân du lịch, hoặc “lăn lộn” trong nghề nhiều năm, vẫn thiếu các kỹ năng mềm như giao tiếp, dẫn tour, quản lý khách đoàn, điều hành khách sạn, quảng bá resort...

Nhiều chuyên gia khác thì đánh giá, hiện các sản phẩm du lịch của Việt Nam khá chậm đổi mới. Phần lớn các doanh nghiệp du lịch có quy mô vừa và nhỏ, thiếu vồn, công nghệ, nên chỉ chú trọng khai thác tài nguyên có sẵn, hoặc sao chép để hình thành sản phẩm du lịch. Tính độc đáo, giá trị nguyên bản và ý tưởng của sản phẩm du lịch nghèo nàn và trùng lắp giữa các vùng miền. Đặc biệt xúc tiến quảng bá du lịch chưa chuyên nghiệp, chưa bài bản. Cụ thể là dừng ở quảng bá hình ảnh chung, chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu du lịch. Trong khi các nước chi tiêu nhiều vào hoạt động quảng bá với hàng chục hoặc hàng trăm triệu USD, thì Việt Nam mới dành khoảng 2 triệu USD quảng bá cho ngành du lịch.

Số hóa là cứu cánh

Theo ông Nguyễn Trung Công, CEO của iViVu, xu hướng đặc trưng nhất của du khách hiện nay là dựa vào sự phổ biến của kỹ thuật số, chi tiêu cho trải nghiệm và nhu cầu về tính chân thực. Theo đó, công nghệ đang thay đổi và ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách đi du lịch. Cụ thể là từ việc tìm kiếm thông tin, điểm đến, dịch vụ, đặt phòng, mua vé, tìm đường, chia sẻ cảm xúc chuyến đi... tất cả đều xoay quanh các phương tiện kỹ thuật số. Sau đó, then chốt nhất là số hóa cũng làm thay đổi cách phục vụ khách du lịch, làm cho khách đến nhiều, ở lâu, và luôn quay lại.

Để thu hút thêm khách quốc tế đến Việt Nam, ngành du lịch cần hiểu về hành vi, thói quen của họ và dựa trên nền tảng số hóa để tăng hiệu quả thu hút, khai thác. Du lịch Việt cần nắm bắt xu hướng du lịch mới là các xu hướng về chi tiêu, trải nghiệm tính đặc sắc của từng điểm đến. Dòng tiền chảy về các hoạt động mua sắm, trải nghiệm nhiều hơn là dành tiền mua vé máy bay hay đặt phòng khách sạn đắt tiền.

Theo dự báo, thị trường du lịch toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ với sự lên ngôi của du lịch trực tuyến. Tại khu vực Đông - Nam Á, Google dự đoán giá trị của du lịch trực tuyến sẽ tăng từ 22 tỷ USD năm 2015, lên 90 tỷ USD vào năm 2025. Tức là tăng hơn 4 lần trong hơn 5 năm tới. Còn theo số liệu từ Diễn đàn du lịch trực tuyến trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2018, có đến 71% du khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2017 đều tham khảo thông tin điểm đến trên internet và 64% đặt chỗ, mua dịch vụ trực tuyến. Điều này cho thấy, thói quen tiêu dùng của du khách đang phụ thuộc nhiều vào công nghệ. Và đây chính là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch dễ dàng nắm bắt nhu cầu thật sự của du khách, từ đó cung cấp sản phẩm đúng, trúng đối tượng.

Điều đó cũng có nghĩa, ngành du lịch cần nhanh chóng thực hiện quá trình chuyển đổi số để hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu thông minh. Số hóa hệ thống dữ liệu du lịch không chỉ giúp chủ động cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu về điểm đến của du khách thông qua thiết bị thông minh; mà còn hướng tới đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thuận tiện với các chủ thể liên quan, từ đó tăng cường hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh cũng như uy tín thương hiệu du lịch quốc gia.

Hiện, ngay tại thị trường đặt chỗ trực tuyến (booking online) Việt Nam – phân khúc lẽ ra doanh nghiệp Việt đã làm chủ - đã bị các doanh nghiệp nước ngoài thao túng. Nhiều công ty du lịch trực tuyến của Việt Nam vừa hình thành đã không thể cạnh tranh thành công do hạn chế và yếu hơn về nền tảng công nghệ. Giấc mơ số hóa của du lịch Việt, do thế, lại bắt đầu từ nỗ lực chuyển hướng chiến lược, nhanh chóng công nghệ hóa để trước tiên thích ứng với xu thế mới.

Về định hướng lâu dài cần đầu tư đào tạo thế hệ lãnh đạo mới có khả năng thích ứng với ngành du lịch đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Đây phải là những nhân sự cấp quản lý có khả năng lãnh đạo, bản lĩnh kinh doanh và am hiểu văn hóa toàn cầu.

Tiến sĩ Jackie Ong - Giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top