Văcxin Covid-19 sẽ được hoàn thành vào năm 2021. |
Ngày 29/10, Công ty Văcxin và Sinh phẩm số 1 Vabiotech cho biết đã tiến một bước lớn trong việc thử nghiệm văcxin khi đã có thể tiến hành tiêm thử nghiệm trên khỉ để thử tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ. Kết quả thử nghiệm trên khỉ sẽ là căn cứ để thực hiện các bước thử nghiệm tiếp theo và đề xuất thử nghiệm trên người. Đảo Rều là nơi nuôi dưỡng giống khỉ vàng Macaca mulatta để phục vụ cho nghiên cứu và sản xuất văcxin. 12 con khỉ được lựa chọn để thử nghiệm văcxin Covid-19 phải là khỉ trưởng thành có sự phát triển giống như người và đảm bảo không mắc các bệnh truyền nhiễm như Cvid-19, HIV, lao… Sau khi tiêm 2 mũi văcxin 1 tháng, các nhà khoa học sẽ tiến hành giải phẫu để tìm hiểu xem văcxin có ảnh hưởng gì đến các phủ tạng cũng như chức năng cơ thể hay không.
TS Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Vaibiotech cho biết, thử nghiệm trên khỉ chỉ là một phần trong quy trình sản xuất văcxin, nhưng cho thấy Việt Nam đã đi đúng hướng, lựa chọn đúng công nghệ và đang tiến dần từng bước đến thử nghiệm văcxin Covid-19 trên người, triển vọng lớn sẽ có văcxin Covid-19 trong năm 2021. Nếu kết quả thử nghiệm trên khỉ về tính sinh miễn dịch, hiệu quả bảo vệ thành công thì khoảng 4 tháng nữa Công ty sẽ trình lên Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế.
Được biết, đảo Rều (đảo Khỉ) là nơi mà Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư vẫn đang tiến hành nhân nuôi khỉ phục vụ cho mục đích thử nghiệm văcxin. PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, sau khi thử nghiệm trên các động vật nhỏ như chuột, thỏ… thì sẽ thử nghiệm trên khỉ. Tuy thử nghiệm trên khỉ khá đắt đỏ, nhưng đây là khâu bắt buộc để sản xuất văcxin bởi hệ miễn dịch của khỉ và người giống nhau đến mức các nghiên cứu văcxin có thể sử dụng cùng một xét nghiệm để đo lượng kháng thể của cả hai.
Trường hợp thuận lợi, khỉ phát sinh kháng thể kháng lại virus thì sẽ được lấy máu để nghiên cứu tiếp xem có tạo ra phản ứng trung hòa với virus Covid-19 hay không. Khi đã khẳng định được tính an toàn và tính sinh miễn dịch đối với cơ thể thì khả năng sản xuất thành công văcxin sẽ rất cao. “Tuy vậy ngay cả khi đã chắc chắn về văcxin thì các khâu thử nghiệm trên người vẫn phải được tuân thủ nghiêm ngặt theo 3 giai đoạn tăng dần số lượng người tham gia.
Theo TS Đỗ Tuấn Đạt, song song với quá trình tiêm thử nghiệm trên khỉ, Công ty đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để cho tiêm thử trên người.
Do SARS-CoV-2 có khả năng biến đổi, tốc độ lây lan mạnh nên để mang lại hiệu quả tối ưu cho văcxin Covid-19 của Việt Nam, các nhà khoa học đã chọn những vùng gene virus biến đổi ít nhất. Vì thế, kháng nguyên của virus trong văcxin sẽ có bản chất di truyền ổn định nhất, đảm bảo hiệu quả trong phòng bệnh.