Đề án 1 tỷ cây xanh
Ngày 27/1/2021, Bộ NN&PTNT đã có tờ trình số 619 của gửi Thủ tướng Chính phủ về Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, Bộ NN&PTNT dự tính sẽ trồng 690 triệu cây xanh phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây xanh trồng tập trung tại các rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Kinh phí thực hiện Đề án xác định chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa và lồng ghép thông qua các chương trình, dự án đầu tư công quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả các Dự án ODA đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng cây xanh; ngoài ra có sử dụng một phần ngân sách nhà nước cho hỗ trợ cây giống, công tác triển khai, hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát, đánh giá,…
Với Đề án này, Bộ NN&PTNT hy vọng có thể nâng cao tỷ lệ cây xanh trên đầu người, tạo thêm cảnh quan, bóng mát, điều hòa khí hậu, bảo vệ sức khỏe con người. Đồng thời cải thiện chất lượng rừng, tăng tỷ lệ che phủ rừng, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai.
Ngoài ra, Đề án đặt mục tiêu tạo thu nhập tăng thêm từ lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho tiêu dùng thông qua các mô hình nông lâm ngư kết hợp cho người dân tham gia trồng và bảo vệ cây xanh. Cụ thể: 150.000ha rừng trồng sản xuất, ước tính tạo ra được 15 triệu m3 gỗ, củi phục vụ cho tiêu dùng và chế biến.
Kết quả thực hiện của Đề án trong giai đoạn 2021-2025 sẽ góp phần thực hiện thành công Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Chiến lược tăng trưởng xanh...
Có cứu được chất lượng rừng
Đề án của Bộ NN&PTNT được đưa ra trong bối cảnh những dấu hỏi về chất lượng rừng của nước ta hiện nay. Cụ thể, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã cố gắng phục hồi và phát triển rừng bằng các chương trình như phủ xanh đất trống đồi trọc, dịch vụ bảo vệ môi trường rừng... Nhờ đó, diện tích rừng của nước ta đã phục hồi gần như tương đương với thời điểm 1945.
Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp công bố cuối năm 2019, cả nước có 14,45 triệu ha rừng, tương đương độ che phủ 41,85%. Con số này tương đương với diện tích rừng những năm 1945, là 45%, và cao hơn nhiều lần so với con số 33% của năm 1999.
Tuy nhiên, nếu xét về chất lượng rừng, thời điểm 1945, rừng Việt Nam chiếm 45% nhưng đa số là rừng tự nhiên. Còn trong tổng số hơn 14 triệu ha rừng hiện nay, rừng đặc dụng chỉ có 2,15 triệu ha, rừng phòng hộ là 4,6 triệu ha, còn hơn nửa là rừng sản xuất. Các khu rừng đặc dụng, phòng hộ phân bố đều các tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam với 54/63 tỉnh thành có các khu rừng đặc dụng và 59/63 tỉnh có rừng phòng hộ. Tuy nhiên, tỷ lệ và chất lượng rừng tự nhiên rất thấp.
Trong báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 gửi đến Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV cũng thừa nhận, giai đoạn 2011 - 2020 mỗi năm Việt Nam trồng thêm được 230.000ha rừng, nhưng diện tích rừng tự nhiên lại tăng không đáng kể. Thậm chí, ở một số khu vực, diện tích rừng sản xuất tăng mạnh, nhưng diện tích rừng tự nhiên lại giảm sâu. Như khu vực Tây Nguyên, năm 2019 diện tích rừng trồng tăng 18.387ha so với năm 2018, nhưng diện tích rừng tự nhiên giảm 15.753ha.
Đáng lưu ý, đánh giá tầm quan trọng của rừng tự nhiên không chỉ thể hiện qua diện tích che phủ, mà còn là hệ sinh thái dưới tán lá rừng. Thực tế việc rừng tự nhiên suy giảm đang kéo theo sự suy kiệt về đa dạng sinh học rừng. Nhiều loài thú quý, hiếm như hổ, gấu, báo hoa mai... đang ngày càng hiếm, tê giác nay đã tuyệt chủng.
Do đó, chỉ thuần túy nâng cao diện tích rừng bằng các chương trình trồng mới rừng chưa đủ để phục hồi hệ sinh thái rừng.
Theo GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng (Bộ NN&PTNT), Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải có biện pháp khảo sát, phân chia các loại rừng cụ thể, rõ ràng. Và đối với những diện tích rừng thiết yếu cần bảo vệ thì cần phải đầu tư con người, trang thiết bị để bảo tồn, trước khi nghĩ đến trồng mới.