Việt Nam nhỉnh hơn các nước láng giềng trong cuộc đua xe điện

Năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19, chi tiêu dành cho xe điện cán mốc 120 tỷ USD, trong khi tiêu thụ xe điện tăng 41%, đạt 3 triệu chiếc.

Xe điện tăng trưởng 40% bất chấp đại dịch

Báo cáo Triển vọng xe điện toàn cầu của IEA (International Energy Agency - Cơ quan năng lượng quốc tế), nửa đầu năm 2021 doanh số bán xe ô tô điện tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 1,75 triệu xe, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất.

Có khoảng 500.000 xe điện được bán ra tại Trung Quốc, kế đến là 350.000 chiếc tại thị trường châu Âu.

Doanh số bán hàng tại Mỹ và các nước khác ở châu Á và Úc đạt xấp xỉ 900.000 xe.

Tiêu thụ xe điện tại châu Âu tháng 7 vừa qua tăng, bất chấp tổng cầu của ngành ô tô EU giảm 24% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, chi tiêu dành cho xe điện cán mốc 120 tỉ USD, trong khi lượng tiêu thụ xe điện cũng tăng 41%, đạt 3 triệu chiếc, chiếm 4,6% tổng lượng xe ô tô bán ra trên toàn cầu.

Với đà tăng trưởng như hiện nay, hãng nghiên cứu thị trường Canalys dự báo đến hết năm 2021, doanh số bán xe ô tô điện toàn cầu sẽ vượt 3,5 triệu xe (tương đương 7% xe mới bán ra).

Con số này tăng lên 30 triệu xe vào năm 2028, đến năm 2030 xe điện sẽ chiếm 48% tổng số ô tô du lịch bán ra trên toàn thế giới.

“Trước thời điểm đại dịch bùng phát, nhiều nước đã siết lại một số chính sách chủ chốt, như tiêu chuẩn khí thải CO2 hay quy định buộc khí thải của ô tô về ngưỡng 0. Đến cuối năm 2020, đã có 20 nước tuyên bố lộ trình cấm bán xe hơi truyền thống, hoặc ra quy định khí thải ô tô phải về ngưỡng 0” - báo cáo của IEA nêu rõ.

Theo giới chuyên gia ngành công nghiệp ô tô, vấn đề điện hóa ô tô trong vài năm qua đã trở thành chiến lược hành động của nhiều Chính phủ, được chính trị hóa trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, khẳng định xu thế này không thể đảo ngược.

Việt Nam sẽ đón đầu xu thế điện hóa ô tô toàn cầu?

Tại Việt Nam, trào lưu điện hóa di chuyển cá nhân khởi đầu cách đây khoảng 10 năm, bắt đầu từ xe đạp điện. Khi đó những chiếc xe đạp gắn động cơ điện dùng pin, phạm vi hoạt động khoảng 20 - 30km, người sử dụng chủ yếu là học sinh và các bà đi chợ.

Sau đó, một số nhà sản xuất gây dựng thương hiệu bằng cách cho ra đời xe máy điện như Sufat, Detech, HKbike, Pega, VinFast.

Đến năm 2016, xe máy điện mới được nhà nước coi như một loại phương tiện giao thông chính thức, được đưa vào các thông tư, nghị định hướng dẫn thực hiện luật giao thông, bắt buộc người sử dụng có bằng lái, có bảo hiểm.

Tuy nhiên, hạ tầng cho xe máy điện không song hành cùng phương tiện, xe máy điện bị “mắc kẹt” trong các đô thị, khi người dân ở chung cư có chỗ để xe nhưng không có chỗ để sạc.

Xe điện của hãng VinFast sắp bàn giao cho khách hàng tại Việt Nam.

Đối với ô tô điện, ngoại trừ một số xe đơn lẻ của Audi, Porsche nhập về trong năm 2019 dưới dạng sản phẩm nghiên cứu thị trường, đến nay Việt Nam mới có duy nhất hãng VinFast công bố bán đại trà xe ô tô điện từ cuối năm 2020. Hãng xe Việt sẽ giao hàng mẫu xe điện đầu tiên của mình vào cuối năm nay. Sản phẩm là mẫu SUV hạng C mang tên mã VFe34, giá 690 triệu đồng.

Theo VinFast, tính đến đầu tháng 8/2021, hãng nhận được 25 nghìn đơn đặt mua xe VFe34. Về hạ tầng sạc điện, VinFast cho hay đến cuối năm 2021 sẽ lắp đặt hơn 2.000 trạm sạc phủ khắp 63 tỉnh, thành. Đặc biệt, công nghệ pin lithium-ion tiên tiến giúp VF e34 có thể di chuyển tới 300 km cho một lần sạc đầy. Với chế độ sạc nhanh, sau 15 phút xe có thể đi thêm 180 km.

Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, Việt Nam chậm chân so với thế giới về phương diện tiêu dùng xe điện. Đến thời điểm này nước ta chưa có chiếc xe hơi điện nào lăn bánh ngoài đường mà ta có thể dễ dàng bắt gặp, ngoại trừ xe buýt điện của VinFast mới thử nghiệm tại Hà Nội. Nhưng bù lại, chúng ta lại không bị chậm so với thế giới về phương diện chế tạo xe điện. Đặc biệt như VinFast làm trong 2-3 năm ra được xe điện là nhanh.

Tại Hội thảo “Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam” do Báo Giao thông vừa tổ chức, bà Phan Thị Thuỳ Dương, Giám đốc phát triển trạm sạc pin VinFast cho rằng, Việt Nam đang có ưu thế, tiềm năng phát triển nguồn điện sạch rất lớn (điện gió, điện mặt trời có số giờ nắng rất lớn). Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện điện hóa ô tô.

Theo bà Thùy Dương, Việt Nam gần như đang ở cùng xuất phát điểm với các nước trong khu vực. Thậm chí là nước đầu tiên trong khu vực có doanh nghiệp nội sản xuất thành công ô tô điện, các nước lân cận gần như chưa có. “Việt Nam có cơ hội để vươn lên dẫn trước trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện trong khu vực”.

Xe điện Vinbus hoạt động trong nội bộ các khu đô thị Vinhomes từ tháng 4/2021.

Bên cạnh đó, căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo ra làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước lân cận. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đang chạy đua hết sức mạnh mẽ để thu hút đầu tư. Ngay cả Singapore, vốn đã ngừng sản xuất ô tô gần 30 năm nay, hiện cũng đã có dự án phát triển ô tô điện.

Với các cơ hội đó có thể thấy chúng ta đang ở cùng hoặc nhỉnh hơn các nước trong khu vực. Chúng ta cần kịp thời nắm bắt, nếu chậm trễ, để một hai năm nữa, khi các nước trong khu vực đã hoàn thiện nền tảng pháp lý và hạ tầng trước ta, Việt Nam sẽ mất đi cơ hội hiếm hoi có một không hai này.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cũng cho rằng: “Nhà nước cần xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội nhằm thu hút đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện, tập trung vào các dòng xe chưa sản xuất tại các quốc gia trong khu vực, hướng vào thị trường xuất khẩu”.

Theo xe.baogiaothong.vn
back to top