Việt Nam gia tăng báo động các bệnh liên quan đến lối sống, dinh dưỡng

Các bệnh liên quan đến lối sống và các thách thức về sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng đang ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Việt Nam từ trẻ em đến người cao tuổi.

“Việt Nam chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng đáng báo động các bệnh liên quan đến lối sống và các thách thức về sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng. Bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, rối loạn lipid máu, thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng và ung thư hiện đang ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Việt Nam từ trẻ em đến người cao tuổi”.

Đó là thông tin PGS.TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng đưa ra tại “Lễ Khai trương dịch vụ khám tư vấn dinh dưỡng chuyên biệt” do Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) tổ chức ngày 12/12.

PGS.TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng phát biểu

PGS.TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng phát biểu

Theo kết quả báo cáo Điều tra các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2021 trên người trưởng thành từ 18-69 tuổi cho thấy, so với năm 2015, tỷ lệ tăng huyết áp đã tăng từ 18,9% lên 26,2%; tỷ lệ tăng đường huyết lúc đói tăng từ 4,1% lên 7,1%; tỷ lệ người có cholesterol toàn phần máu ≥ 5,0 mmol/L đã tăng từ 30,2% lên 44,1%; tỷ lệ thừa cân/béo phì (BMI ≥ 25) tăng nhanh từ 15,6% năm 2015 lên 19,5% năm 2021.

Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ người mắc bệnh xương khớp cao, có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây và ngày càng trẻ hóa.

Kết quả từ một nghiên cứu trên 2065 đối tượng tại Thành phố Vinh công bố kết quả năm 2021 cho thấy trong số đối tượng từ 50 tuổi trở lên, khoảng 40% phụ nữ và 37% nam giới bị loãng xương và tỷ lệ loãng xương tăng theo tuổi.

Trong một nghiên cứu được công bố năm 2024 của Viện Dinh dưỡng được thực hiện trên 333 khách hàng độ tuổi từ 20 đến 50 đo DXA tại phòng khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, kết quả cho thấy tỉ lệ loãng xương là 4,6% nam giới và 7,7% ở nữ giới (đo DXA ở cột sống thắt lưng); tỉ lệ loãng xương là 5,7% ở nam và 6,9% ở nữ (đo DXA ở cổ xương đùi).

Cùng với đó là xu hướng gia tăng các ca ung thư mắc mới và số ca tử vong do ung thư. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, Việt Nam ước tính có khoảng 182.563 ca ung thư mắc mới; 122.690 ca tử vong do ung thư trên tổng số 97,3 triệu dân.

Khoa khám tư vấn dinh dưỡng người lớn - Ảnh BVCC

Khoa khám tư vấn dinh dưỡng người lớn - Ảnh BVCC

Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Cả nước đang còn 353.000 người bệnh sống chung với ung thư. Ung thư và các phương pháp điều trị ung thư, như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị, thường dẫn đến những thay đổi đáng kể về chuyển hóa làm tăng nhu cầu dinh dưỡng trong khi làm giảm cảm giác thèm ăn và giảm khẩu phần ăn.

Bằng cách tích hợp chế độ chăm sóc dinh dưỡng cá nhân vào các kế hoạch điều trị ung thư, các bệnh viện có thể tăng cường phục hồi, cải thiện khả năng chịu đựng điều trị và tối ưu hóa kết quả lâm sàng cho bệnh nhân ung thư.

Suy dinh dưỡng trên người trưởng thành là vấn đề rất phổ biến, đặc biệt ở các nhóm đối tượng nhạy cảm như người cao tuổi, người đang mắc các bệnh mạn tính, người đang điều trị tại bệnh viện.

Trong một kết quả nghiên cứu đa trung tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh công bố năm 2018, tỷ lệ thiếu cân và suy dinh dưỡng của người trưởng thành trong bệnh viện nói chung là 14,0% ; cao hơn gấp đôi (34,1%) với người bệnh cấp cứu; cao hơn gấp 3 với người trên 80 tuổi (49,7%), người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư (46,5%) hoặc bệnh phổi (43,6%).

Chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai có vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo chất lượng sức khỏe cho thế hệ kế cận. Tình trạng dinh dưỡng ở phụ nữ có thai và phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ vẫn là vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng.

Theo số liệu Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2020, tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai và không có thai tương ứng 25,6% và 16,2%; tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 63,5%, xếp ở mức nặng về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Theo báo cáo của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2021 cho thấy tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ tại Việt Nam là 21,8%, nghĩa là cứ 5 thai phụ thì có 1 người mắc đái tháo đường thai kỳ.

Tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Đặc biệt, theo báo cáo của Tổng cục thống kê, năm 2022, người từ 15 tuổi trở lên và người cao tuổi tại Việt Nam chiếm 66,5% dân số. Do đó việc phát triển dịch vụ Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, với mô hình khám tư vấn dinh dưỡng chuyên biệt là một giải pháp mang tính đột phá, nhằm giải quyết nhu cầu dinh dưỡng cá thể.

Dịch vụ này chứng minh cam kết của Viện Dinh dưỡng trong việc cải thiện sức khỏe người dân, thông qua dịch vụ chăm sóc dinh dưỡng được cá nhân hóa, dựa trên cơ sở khoa học, là một phần trong tiến trình xây dựng và thực hiện đề án dinh dưỡng hợp lý nhằm chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

“Sứ mệnh của chúng tôi là tạo ra sự khác biệt thực sự trong cuộc sống của mỗi người bằng cách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề sức khỏe thông qua dinh dưỡng.

Đây không chỉ là điều trị các tình trạng bệnh; mà là xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh hơn. Bằng cách kết hợp khoa học dinh dưỡng với dịch vụ tư vấn, chúng tôi trao quyền cho khách hàng để họ tự kiểm soát sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình”. - PGS.TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng khẳng định

Theo Đời sống
back to top