Việt Nam đạt 14 bác sĩ trên 10.000 dân

Năm 2024, Việt Nam đạt 14 bác sĩ trên 10.000 dân, tăng so với năm 2023 là 12,5 bác sĩ trên 10.000 dân. Ngành y tế đặt mục tiêu có 15 bác sĩ trên 10.000 dân vào 2025.

Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025 được Bộ Y tế tổ chức sáng 24/12, tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự hội nghị.

Thiếu cả về chất lượng và số lượng

Báo cáo công tác năm 2024, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm qua, ngành y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2024 được Quốc hội giao, trong đó vượt 2 chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân và số giường bệnh/vạn dân, đạt chỉ tiêu về tỉ lệ dân số tham gia BHYT; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu lớn của ngành, lĩnh vực năm 2024 được Chính phủ giao.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng nhiều lãnh đạo các Bộ, Ban ngành dự hội nghị.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng nhiều lãnh đạo các Bộ, Ban ngành dự hội nghị.

Cụ thể, năm 2024, Việt Nam đạt 14 bác sĩ trên 10.000 dân, tăng so với năm 2023 là 12,5 bác sĩ trên 10.000 dân. Ngành y tế đặt mục tiêu có 15 bác sĩ trên 10.000 dân vào 2025.

Tuy nhiên, theo báo cáo, quy mô nhân lực y tế của Việt Nam tăng không đáng kể trong 10 năm qua (chỉ tăng 2,33%). Tổng nhân lực ngành y tế hiện nay là 431.724 người và thấp hơn nhiều so với dự kiến 632.510 người của Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2011-2020.

Bộ Y tế cho biết theo khuyến cáo của quốc tế thì tỉ lệ điều dưỡng/bác sĩ phải trên 2 điều dưỡng/bác sĩ và yêu cầu 1 điều dưỡng không phải phụ trách quá 7-8 bệnh nhân nội trú, và ở các khoa phẫu thuật, chăm sóc tích cực tỉ lệ này là 4/1.

Tuy nhiên, hiện nay các bệnh viện công lập mới chỉ đạt được tỉ lệ 1,2-1,5 điều dưỡng/bác sĩ và 1 điều dưỡng vẫn phải phụ trách chăm sóc trung bình từ 10 - 15 giường bệnh nội trú.

Trong khi đó, trình độ năng lực của bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế trong chăm sóc sức khỏe đáp ứng với sự thay đổi mô hình bệnh tật.

Bộ Y tế cũng thừa nhận chất lượng y tế giữa các tuyến, vùng miền còn chênh lệch, vượt tuyến khám chữa bệnh xảy ra khá phổ biến.

Tại một số địa phương, cơ sở y tế có lúc còn thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại một số thời điểm do thiếu nguồn cung hoặc đấu thầu không kịp thời.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan Phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan Phát biểu tại Hội nghị

"Thiếu về số lượng và chất lượng, đồng thời mất cân đối về nhân lực y tế cả về phân bố và cơ cấu cán bộ chuyên môn. Tại cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh viện công lập có cơ cấu nhân lực chuyên môn lâm sàng chưa đáp ứng được với yêu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân và có nguy cơ không đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn bệnh nhân"- báo cáo Bộ Y tế nêu.

Vượt qua khó khăn, thách thức... nỗ lực bảo vệ sức khỏe nhân dân

Bộ Y tế cho biết, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều yếu tố khó lường, như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, thiên tai, dịch bệnh, và các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Trong nước, nền kinh tế tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là thiệt hại nặng nề từ thiên tai, bão lụt. Đồng thời, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao do mô hình bệnh tật kép, già hóa dân số nhanh, và tác động của toàn cầu hóa, đô thị hóa.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, trước những thách thức đó, Bộ Y tế đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp và nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng công tác y tế, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Ngành Y tế đã hoàn thành 8/9 chỉ tiêu cụ thể được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01-NQ/CP.

Nhiều lãnh đạo bộ, ban, ngành tham dự hội nghị tổng kết của Bộ Y tế.

Nhiều lãnh đạo bộ, ban, ngành tham dự hội nghị tổng kết của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua nhiều văn bản quan trọng, như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật Bảo hiểm y tế, cùng các nghị định, quyết định nhằm cải thiện chất lượng quản lý nhà nước về y tế. Bên cạnh đó, Bộ đã ban hành 43 Thông tư, tập trung vào các chiến lược dài hạn và giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn trong công tác y tế.

Bộ này tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Các đề án sắp xếp các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, cũng như việc thành lập các cơ quan mới như Hội đồng Y khoa Quốc gia và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển ngành Dược Việt Nam, đang được đẩy mạnh.

Công tác khám chữa bệnh tiếp tục được nâng cao với nhiều kỹ thuật y học tiên tiến, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh và khám chữa bệnh từ xa. Các cơ sở y tế tư nhân cũng phát triển mạnh mẽ, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em, và người nghèo, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai, tiếp tục được chú trọng.

Bộ Y tế cũng đảm bảo vắc-xin cho tiêm chủng mở rộng và triển khai các chương trình dân số, góp phần tận dụng cơ cấu dân số vàng và thích ứng với quá trình già hóa dân số.

Công tác chuyển đổi số trong ngành Y tế được đẩy mạnh, với việc hoàn thành kết nối dữ liệu y tế, triển khai nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử và tư vấn khám chữa bệnh từ xa, giúp cải thiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe.

Bước vào năm 2025, theo người đứng đầu ngành Y tế, Bộ Y tế tiếp tục tập trung vào các mục tiêu quan trọng, trong đó có việc phát triển y tế cơ sở, tăng cường công tác y tế dự phòng, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã phát động phong trào thi đua yêu nước với khẩu hiệu "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển", kêu gọi cán bộ y tế nâng cao tinh thần trách nhiệm và tận tâm vì người bệnh.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những kết quả đạt được trong năm 2024 sẽ là động lực để ngành y tế tiếp tục hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2025, nhằm nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của ngành y tế Việt Nam trong công tác bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Ngành Y tế sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Bộ Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ dần các khó khăn, vướng mắc, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế; cải cách hành chính; chuyển đổi số y tế... Chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh ngày càng được nâng cao.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thẳng thắn cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trên thực tiễn cần được khắc phục. "Yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2025 cũng như những năm tới đối với ngành y tế rất nặng nề"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh

Theo Đời sống
back to top