<div> <p class="Normal">Bộ trưởng Long đề nghị Zuellig Pharma cung ứng vaccine cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất với giá cả hợp lý nhất để ứng phó kịp thời, hiệu quả với đại dịch. Zuellig Pharma cam kết sẽ sớm thảo luận với Moderna các đề xuất của Việt Nam.</p> <p class="Normal">Vaccine Moderna được phát triển bằng công nghệ mới mRNA, có khả năng kích thích tế bào người tạo ra protein virus. Sau đó, hệ miễn dịch tiếp xúc với protein và sinh ra kháng thể, các tế bào miễn dịch nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh. Kết quả thử nghiệm <span>vaccine Moderna</span> hiệu quả 90% trong sáu tháng.</p> <p class="Normal">Cơ quan Dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA) phê duyệt vaccine Moderna vào ngày 6/1. Vaccine được tiêm chủng ở Mỹ, Canada, Đức, Hàn Quốc, Anh...</p> <p class="Normal">Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/4 đã phê duyệt vaccine Covid-19 của hãng dược Moderna để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đây là loại vaccine Covid-19 thứ 4, sau sản phẩm của Pfizer, Astrazeneca và Johnson & Johnson, được duyệt sử dụng khẩn cấp.</p> <p class="Normal">Cùng ngày, ông Long cũng làm việc với đại diện Đại sứ quán Nhật Bản, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam để thảo luận về vấn đề cung ứng vaccine phòng Covid-19, cũng như việc tiêm chủng cho công nhân, người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp.</p> <div> <p class="Normal">"Quan điểm của Việt Nam là làm thế nào để có thể tiếp cận vaccine phòng Covid-19 nhanh nhất và đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng vaccine rộng nhất", ông Long nói.</p> <figure class="tplCaption"> <div class="fig-picture"><picture><img alt="Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long họp về cung ứng vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam, ngày 28/5. Ảnh: Trần Minh." src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/28/i1-suckhoe-vnecdn-net_1-5340-1622206742.jpg" /></picture></div> <figcaption itemprop="description"> <p class="Image">Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long họp về cung ứng vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam, ngày 28/5. Ảnh: <em>Trần Minh.</em></p> </figcaption> </figure> <p class="Normal">Ông Long cho biết, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian qua, Việt Nam không phải là điểm nóng về dịch Covid-19 nên việc tiếp cận vaccine cũng hạn chế hơn do các đơn vị cung ứng ưu tiên cho các khu vực là điểm nóng về dịch bệnh. Bộ Y tế cùng các bên đã thảo luận về các cơ chế tiếp cận vaccine như đề nghị các nước gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu trực tiếp để tiêm chủng cho người lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; cơ chế chia sẻ chi phí liên quan đến việc tiếp cận vaccine...</p> <p class="Normal">Covax Facility đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 38,9 triệu liều; Việt Nam cũng đề xuất Covax hỗ trợ Việt Nam thêm 10 triệu liều theo cơ chế chia sẻ chi phí. Ông Long mong muốn các Đại sứ quán, các doanh nghiệp của các quốc gia tài trợ cho Covax tác động để có thêm vaccine cho Việt Nam. Ông đề nghị các nước có dư thừa vaccine tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận được nhiều nguồn vaccine.</p> <p class="Normal">Đại diện các Hiệp hội, Phòng thương mại, các công ty cũng đồng ý chia sẻ chi phí liên quan đến việc tiêm chủng cho người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ phê duyệt các thủ tục nhập khẩu vaccine nhanh nhất, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của Việt Nam.</p> <p class="Normal">Vaccine Covid-19 đang tiêm ở Việt Nam là của Astrazeneca. Đến nay, tổng số người được tiêm là 1.038.741. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 28.529 người.</p> </div> <p class="author_mail"> </p> </div> <p> </p>