Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi dồi dào

(khoahocdoisong.vn) - Với hơn 3.000km bờ biển và tiềm năng điện gió lớn ở Đông Nam Á, Việt Nam được coi là thị trường triển vọng cho điện gió ngoài khơi.

Bà Ngô Thị Tố Nhiên, Tổ chức sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam cho biết, ở vùng biển Nam Trung bộ và phía Bắc, tốc độ gió trung bình hằng năm ở độ cao 100m là 9 - 10m/s, hệ số công suất lớn hơn 50% và mật độ năng lượng hằng năm lớn hơn 50GWh/km2. Mỗi vùng biển xung quanh đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) hoặc đảo Bạch Long Vĩ (tỉnh Quảng Ninh) có thể cung cấp công suất đặt điện gió ngoài khơi tới 38GW với hệ số công suất lớn hơn 60%. Vùng phía Nam, dự án điện gió ngoài khơi tại Bạc Liêu với công suất 100MW đã hoạt động, cung cấp khoảng 300 triệu kWh/năm và tới năm 2025 sẽ lên tới 1.000MW hay 3 tỷ kWh/năm.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2020 của Cục Điều tiết Điện lực (ERAV), nguồn cung cấp điện của Việt Nam chủ yếu từ than (59%), thủy điện (19%), dầu khí (17%) và nguồn khác bao gồm điện năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng nhỏ (5%). Nhu cầu điện trong tương lai sẽ được đáp ứng chủ yếu bằng giải pháp tăng công suất điện khí, gió và mặt trời; trong khi việc bổ sung nguồn cung từ thủy điện lớn và than sẽ có rất ít cơ hội do hạn chế về tài nguyên nước và khả năng tiếp cận tài chính. Với hệ số công suất trung bình cao và sản lượng điện biến đổi theo giờ thấp, điện gió ngoài khơi trở thành một công nghệ “phụ tải nền biến đổi”. Phát triển điện gió ngoài khơi sẽ giúp tăng cường an ninh năng lượng quốc gia và cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam với các quốc gia khác.

Tính cả vòng đời dự án thì điện gió ngoài khơi ít phát thải khí CO2 và các khí ô nhiễm khác, nó cũng sử dụng ít nước và đất hơn so với các nguồn điện khác. Nhiên liệu hóa thạch phát thải trung bình 500 tấn CO2 trên mỗi GWh điện được sản xuất ra. Trong khi đó, một trang trại gió 1GW giúp cắt giảm được hơn 2,2 triệu tấn CO2 mỗi năm. Ngoài ra, nhiên liệu hóa thạch phát thải bình quân 1,1 tấn sulphur dioxide (SO2) và 0,7 tấn nitrogen oxides (NOx) trên mỗi GWh điện sản xuất ra. Đây là những tác nhân gây ô nhiễm không khí có tác động lớn đến môi trường và sức khỏe người dân.

Theo Đời sống
back to top