Việt Nam có giống gạo ngon nhất thế giới

(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, Việt Nam có rất nhiều giống gạo đặc sản có thể nói chất lượng hàng đầu thế giới. Điều đặc biệt là giống gạo này sản xuất được nhiều vụ, năng suất gấp đôi các giống gạo đặc sản trên thế giới.

Giống gạo ngon, trồng được nhiều vụ

Gạo ST25 của Việt Nam được công nhận “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” tại Hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 11 tại Manila, Philippines từ ngày 10 – 13/11/2019. Gạo Thái Lan năm nay chỉ đạt hạng nhì

Hội nghị năm nay quy tụ hơn 20 công ty kinh doanh gạo quốc tế, Việt Nam cùng hơn 100 thương gia xuất nhập khẩu gạo và 20 nhà khoa học châu Phi, Mỹ, Úc, Âu và Á. Giống lúa ST25 của Việt Nam do nhóm Sản xuất Gạo Chất lượng cao của Sóc Trăng mà Kỹ sư Hồ Quang Cua, Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương và TS Trần Tấn Phương lai tạo. Đây là giống lúa cao sản có thể trồng 2-3 vụ/năm (gạo thơm Thái Lan là lúa mùa dài ngày chỉ trồng được 1 vụ/năm).

Để có được loại gạo ngon nhất thế giới này, là hành trình 25 năm dày công nghiên cứu và phát triển của 24 giống lúa gạo thơm Sóc Trăng. Lúa thơm Sóc Trăng được hình thành mang đậm dấu ấn giữa GSVõ Tòng Xuân - người mang giống lúa KDM, một giống lúa thơm từ nước ngoài về tặng cho tỉnh Sóc Trăng và kỹ sư Hồ Quang Cua. ST25 là giống lúa cao sản có thể trồng 2 - 3 vụ/năm. Gạo ST25 có hạt dài trắng tinh, dẻo, có mùi thơm dứa được ưa chuộng bởi ngày càng nhiều người tiêu dùng. Đây cũng là giống lúa chịu phèn, mặn tốt nên có thể trồng ở đất đồng hoặc luân canh lúa - tôm, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiện giống lúa ST25 đang được trồng phổ biến ở các địa phương ĐBSCL. TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long cho biết, giống lúa ST25 với đặc điểm phù hợp với vùng đất của các địa phương ven biển, có khả năng chịu được phèn, mặn và chống chịu sâu bệnh tốt. 

Việt Nam có nhiều giống gạo ngon

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa, Học Viện Nông nghiệp VN cho biết, thực tế Việt Nam có rất nhiều giống gạo ngon ở mức đứng đầu thế giới. Những giống này tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài ra cũng có những giống gạo đặc sản nằm rải rác ở các tỉnh thành khắp cả nước như gạo Séng Cù, gạo Hương Việt Ba, gạo tám Điện Biên… đều đạt chất lượng rất ngon. Điều mà nhiều người thắc mắc từ xưa đến nay là vì sao Việt Nam sản xuất nhiều gạo thế mà không có những giống gạo ngon có giá trị kinh tế cao như Thái Lan hay Campuchia.

“Mọi người không hiểu rõ vấn đề. Việt Nam thừa khả năng sản xuất những giống gạo ngon nhất thế giới, nhưng chúng ta khác các nước bạn ở chỗ ta không thể quy hoạch thành các vùng trồng lúa xuất khẩu bởi đất đai có hạn. Trong khi Thái Lan họ quy hoạch riêng các vùng trồng, Campuchia thì có đến 15 triệu ha lúa, diện tích trồng rất nhiều. Còn ở ta, tình trạng nhập khẩu lương thực, ngô, bột mì ở mức rất cao. Việc xuất khẩu gạo chỉ dựa trên còn thừa thì mới xuất khẩu, nên không thể tập trung phát triển vào xuất khẩu như ở các nước khác”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết.

Còn về giá trị, điểm đặc biệt của các giống lúa đặc sản của Việt Nam là có thể sản xuất được 2-3 vụ/năm, còn những giống đặc sản ở Campuchia, Thái Lan hay Philippin chỉ có thể sản xuất 1 vụ/năm. Năng suất trung bình của các giống lúa đặc sản ở các nước chỉ vào khoảng 2,5 tấn/ha thì năng suất của giống ST25 là 6 tấn/ha. Do vậy, dù các nước bán có bán với giá thành cao hơn, thì tính trung bình trên hiệu quả sản xuất của giống lúa, giá trị các giống lúa đặc sản của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều.

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết, ông và kỹ sư Hồ Quang Cua luôn có sự trao đổi liên tục, trợ giúp nhau để đưa thương hiệu lúa gạo Việt ra thế giới. Hiện giống gạo ST25 được kỹ sư Hồ Quang Cua bán ở thị trường trong nước với giá 35.000 đồng/kg và chưa xuất khẩu. Tới đây, sẽ còn rất nhiều giống gạo ngon được cho ra thị trường.

Theo Đời sống
back to top