<div> <p>"Việt Nam bác bỏ hoàn toàn mọi nội dung phát biểu liên quan đến Việt Nam của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/11 về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa", người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm nay cho biết trong thông cáo.</p> <p>Bà Hằng đưa ra phản hồi sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 8/11 cho biết vấn đề cốt lõi ở Biển Đông là lãnh thổ, liên quan đến việc "Việt Nam và các nước khác chiếm đóng quần đảo Nam Sa của Trung Quốc". Nam Sa là tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Một chiến sĩ canh gác trên đảo Trường Sa, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: VA." src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/27/ts-3-4626-1573631383.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Một chiến sĩ canh gác trên đảo Trường Sa, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: <em>VA.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>"Phía Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. Thực tế lịch sử cho thấy rõ điều này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói. </p> <p>Chủ trương nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp quốc tế, trong đó có tranh chấp về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phải giải quyết bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc.</p> <p>"Việt Nam mong muốn Trung Quốc cùng nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của quan hệ hai nước, duy trì hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực", bà Hằng nhấn mạnh. </p> <p>Trung Quốc bình luận về vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông sau khi <span>điều tàu khảo sát Hải Dương 8</span> và tàu hộ tống xâm phạm vùng biển Nam Biển Đông của Việt Nam từ đầu tháng 7/2019. Một số chuyên gia nhận định Bắc Kinh muốn biến vùng Nam Biển Đông từ chỗ không có tranh chấp thành có tranh chấp.</p> </div> <p> </p>