Thầy Trường đang viết bằng miệng.
Nhưng như nhà văn Nguyễn Khải viết: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh, gian khổ”.
Và những tháng ngày luyện rèn ngậm bút viết chữ của cậu bé ấy đã thành công. Dù lắm khổ ải, đớn đau nhưng cánh cửa đã mở ra với một người từng tuyệt vọng.
Đó không chỉ là hạnh phúc, còn là tấm gương. Tấm gương phản ánh về cuộc vượt khó của một con người viết nên huyền thoại sống bằng… miệng.
“Trời mỗi ngày mỗi tối”
Ở xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ – Hà Nội), thầy giáo Phùng Văn Trường là một người nổi tiếng. Sự nổi tiếng ở đây không phải vì sự giàu có vật chất hay thứ xác thịt bề ngoài nào.
Nhiều người biết và khâm phục thầy ở ý chí và phương cách sống tử tế giữa những bộn bề cuộc sống vàng thau lẫn lộn.
Năm 1979, cậu bé Trường ra đời kháu khỉnh như những đứa trẻ khác. Lên 3 tuổi, Trường bắt đầu có những triệu chứng khiến cha mẹ bất an. 6 tuổi học lớp 1, dù chân vẫn đi được nhưng rất chậm và yếu.
Tay dù vẫn cầm được bút nhưng run rẩy viết chữ chẳng thành.
Là con đầu trong gia đình có 5 anh chị em, dù gia đình vay mượn đưa con đi bệnh viện nhưng bác sĩ kết luận cậu bé mắc phải căn bệnh “thoái hóa cơ tiến triển”.
Tức là càng lớn, các cơ càng teo lại, khô đi theo quy luật từ dưới lên trên. Có lẽ vậy, càng học lên cao thì hai chiếc lạng mà Trường thay cho đôi chân càng phải to hơn, cao hơn và nặng hơn.
Cho đến khi học cấp hai, trường cách nhà xa hơn, cậu bé ấy không còn lê được đôi chân nữa. Cha mẹ thương con nên bắt nghỉ học, Trường lăn đùng ra khóc.
Người cha phải ngậm ngùi cõng con trên lưng suốt những tháng ngày tiếp theo. Cho đến khi hết lớp 8, hoàn cảnh và bệnh tật không cho phép Trường được đến lớp.
“Lúc này cơ đã khô đến hết bàn tay. Không viết, không cầm cái gì được nữa. Gia đình lại không còn gì đáng giá để tôi được đến trường. Mỗi ngày ngồi nhà nhìn theo các bạn đến lớp, tôi thấy đời mình mỗi ngày mỗi tối. Thôi thế là hết, cuộc đời mình tắt ngấm từ đây”, thầy Trường than thở.
Đến nay, hàng trăm em học sinh được thầy Trường rèn chữ.
Viết chữ vì bán tạp hóa
Phải nghỉ học ở nhà để các em được đến lớp. Phùng Văn Trường bảo mẹ mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở đầu thôn để bán phụ giúp gia đình. Nhưng khi bán hàng, bao nhiêu chuyện nảy sinh.
Nếu cần mua cái gì, khách hàng thương Trường tật nguyền thì tự vào lấy đồ.
“Nhưng ở vùng quê nghèo thì cậu biết đấy. Người dân làm gì có sẵn tiền để mua. Có khi chỉ gói mì tôm hay vài củ hành cũng phải mua chịu.
Vài người mua thì nhớ được rõ, chứ nhiều người thì không nhớ nổi. Mình cứ sợ không ghi vào sổ thì sẽ nhớ nhầm mang tiếng lắm nên quyết tâm phải viết.
Viết bằng tay, bằng chân thì không được rồi. Chỉ có miệng là còn ngậm được bút”, thầy Trường cho hay.
Thế nhưng khi ngậm bút vào miệng thì chuyện không đơn giản. Mới chỉ ngậm vào chưa kịp viết chữ thì đã nôn ọe. Ròng rã cả tháng trời, không biết Trường nôn ọe bao nhiêu lần.
Chỉ biết, cơ thể vốn đã gầy gò giờ teo tóp hẳn đi. Cha mẹ thương con thì khuyên bảo nhưng đã quyết tâm thì Trường làm đến cùng.
Những nét chữ đầu tiên nguệch ngoạc không đúng hàng đúng lối. Nhưng chỉ một thời gian sau, chữ đã có nét thanh nét đậm, viết bằng miệng mà hàng lối thẳng tăm tắp như người lành lặn viết bằng tay.
Ai đến mua hàng cũng tấm tắc về cậu bé “có tật có tài” như Trường. Chẳng ngờ quán tạp hóa bé xíu ấy vô tình lại trở thành trường học cho một người đã mất hết hi vọng.
Nét chữ nết người
Cũng tại chính quán tạp hóa ấy, vào năm 2010 vô tình Trường thấy vở viết của một học sinh với những nét chữ xiêu vẹo. Anh tỏ ra buồn và muốn phụ đạo rèn chữ cho học sinh này.
Sau 2 tháng, cậu học sinh ấy tiến bộ rõ rệt. Chữ không những đẹp mà vở còn sạch sẽ, ngay ngắn.
Tiếng lành đồn xa. Rất nhiều phụ huynh trong xã đến nhờ Trường kèm cặp con em mình. Trường đồng ý nhưng với điều kiện không lấy học phí.
Lớp của Trường lúc đông lên tới vài chục học sinh. Anh phải chia nhỏ lớp ra thành vài nhóm cho dễ dạy.
“Em nào chữ xấu thì mình rèn cho viết chữ. Mình cứ dùng miệng viết các chữ cái mẫu để các em viết theo. Em nào chưa thạo đọc chữ, thì mình luyện cho các em tập đọc.
Các em yếu môn toán, thì mình rèn các phép tính để các em quen dần. Mình không dám nhận là thầy, nhưng người làng cứ gọi là thầy nên tự dưng quen danh xưng ấy từ lúc nào chẳng biết”, thầy Trường tâm sự.
Cho đến nay, hàng trăm học sinh yếu kém ở trong xã Nam Phương Tiến đã được thầy Trường kèm cặp, phụ đạo. Nhiều em trong số đó trở thành học sinh giỏi của trường.
Có em đi thi vở sạch chữ đẹp, có em đi thi học sinh giỏi toán. Dù có đạt thành tích hay không, thì với Trường sự cứng cáp của các em là viên mãn nhất.
Thầy Trường nhận xét: “Nét chữ nết người, ông cha ta vẫn dạy vậy. Mà quả thật cũng đúng, tôi có quan sát rất tỉ mỉ lúc học sinh viết chữ xấu đến khi luyện được chữ đẹp thì tính cách khác biệt hoàn toàn. Bao giờ các em viết chữ đẹp cũng ngoan ngoãn, dễ bảo và nhận thức tốt hơn các em khác”.
Hạnh phúc của thầy Trường là có một gia đình.
Hạnh phúc là tương lai
Với thầy giáo viết bằng miệng Phùng Văn Trường, ngoài các em học sinh thân yêu thì gia đình là một hạnh phúc lớn.
“Ông trời không lấy đi hết của người ta thứ gì cả. Tuy tôi không được lành lặn nhưng tôi có gia đình và một đứa con lành lặn, thông minh. Nó là chân, là tay, là tương lai của tôi”, thầy Trường xúc động ôm đứa con nhỏ vào lòng.
Năm 2012, cô gái xã bên là Ngô Thị Hường cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của thầy Trường nên đã phải lòng anh. Họ nhanh chóng tiến hành đám cưới và sinh được một bé trai.
Anh đặt tên bé là Phùng Thiên Trường Quảng với ý tạ ơn ông trời đã cho anh một đứa con lành lặn.
Chị Hường, vợ anh bảo: “Ai cũng bảo tôi dại đã lấy người chồng tật nguyền. Nhưng tôi nghĩ, tật nguyền thì cũng có quyền được yêu. Anh ấy tuy không làm được việc gì có thể kiếm ra tiền, nhưng việc dạy học của anh ấy cũng rất cao cả. Có thể giúp người khác có được kiến thức, niềm tin và ý chí”.
Vâng! Đúng như chị Hường nói. Việc làm của thầy giáo viết bằng miệng Phùng Văn Trường chí ít đã và đang đem lại cho rất nhiều người niềm tin và nghị lực không chỉ để bấu víu vào cuộc sống, mà còn để cuộc sống nảy nở những bông hoa tươi.
“Tôi không dám nhận mình là thầy giáo nhưng tôi tâm niệm, dạy cho các em được phần nào tốt phần đó. Tôi không muốn để người đời gọi tôi là thằng què, thằng liệt. Càng nhục hơn khi người ta chê mình vô tích sự. Thế nên phải làm gì đó để có tích sự cho đời”, thầy giáo Phùng Văn Trường.
Trần Hòa