Viêm tuyến nước bọt nguy hiểm không?

Viêm tuyến nước bọt lâu dài có thể ảnh hưởng đến sâu răng, viêm nhiễm vùng khoang miệng và hầu họng.

Nếu tuyến nước bọt không hoạt động tốt, lượng vi khuẩn và thức ăn thừa được rửa trôi sẽ ít hơn và dẫn đến tình trạng viêm.

viem-tuyen-nuoc-bot.jpg
Viêm tuyến nước bọt lâu dài có thể ảnh hưởng đến sâu răng, viêm nhiễm vùng khoang miệng và hầu họng. Ảnh minh họa

Theo TS.BS Lý Xuân Quang, Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, tuyến nước bọt là hệ thống những ống nước bọt ở mang tai, dưới hàm hay dưới lưỡi hoặc nằm rải rác khắp khoang miệng và vòm họng.

Tình trạng nhiễm trùng do bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus, dẫn đến việc giảm tiết nước bọt do tắc nghẽn hoặc viêm ống nước bọt.

Viêm tuyến nước bọt thường gây ra sưng, nóng, đỏ, đau vùng tuyến nước bọt như tuyến mang tai, hay dưới hàm. Người bệnh có thể bị hôi miệng, họng sưng và đau khi ăn.

Đối với viêm tuyến nước bọt có nhiều nguồn gốc, nguyên nhân khác nhau. Tuyến nước bọt nhiễm trùng vì vi khuẩn, virus; do sỏi hay u làm tắc nghẽn; bệnh lý tự miễn hoặc nghiện rượu kéo dài; sau xạ trị vùng đầu cổ…

Thường gặp nhất là viêm tuyến nước bọt vùng mang tai hay dưới hàm do virus mà mọi người đều biết gọi là quai bị.

Nước bọt hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa, giúp tiêu hóa thức ăn và giữ cho miệng ẩm và sạch sẽ. Nước bọt sẽ giúp rửa sạch vi khuẩn và thức ăn thừa, nó cũng tham gia vào quá trình kiểm soát lượng vi khuẩn tốt và xấu có trong miệng.

Vì vậy, nếu viêm tuyến nước bọt lâu dài có thể ảnh hưởng đến sâu răng, viêm nhiễm vùng khoang miệng và hầu họng.

Theo TS.BS Lý Xuân Quang, khi đi khám, tùy nguyên nhân người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng sinh và kiểm soát chế độ nước để giảm hoặc tăng tiết nước bọt.

Theo các chuyên gia, một số nguyên nhân từ bên ngoài và thói quen sinh hoạt có thể được thay đổi để phòng tránh viêm tuyến nước bọt như: uống đủ nước giúp tiết nước bọt đều đặn và lưu thông, dịch nước bọt không quá đặt, tăng nguy cơ tạo sỏi, gây tắc viêm tuyến nước bọt thứ phát và nhiễm trùng sau đó; vệ sinh răng miệng.

Đặc biệt, ở nam giới thường xuyên uống rượu bia có thể gây viêm tuyến nước bọt mạn tính kéo dài, gây phì đại tuyến nước bọt. Bên cạnh đó, thuốc lá cũng là tác nhân gây u hay khô teo phần niêm mạc ống tuyến nước bọt.

Theo Đời sống
back to top