Phổ biến và dễ lây lan
Viêm kết mạc (VKM) là dạng phổ biến nhất của viêm kết mạc do adeno virus gây ra. VKM biểu hiện đột ngột bằng đỏ mắt, ra gỉ mắt nhiều, thường kèm theo đau họng. Nên chẩn đoán phân biệt với viêm kết mạc do vi khuẩn chlamydia, các chủng virus khác và cả các viêm kết mạc do dị ứng. Virus rất dễ lây lan và không có phương pháp điều trị đặc hiệu. Virus nhóm adeno có 51 chủng khác nhau. Tuy giống nhau về cấu trúc nhưng lại có kháng nguyên khác nhau( týp huyết thanh khác nhau). Virus thuộc nhóm ổn định cao, gây bệnh từ bệnh ở đường hô hấp đến ống sinh dục tiết niệu, dạ dày, ruột và mắt.
Nhiễm virus có thể tự kiềm chế nhưng cũng có khi lan tràn gây suy đa phủ tạng trên những bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Adenovirus từ lâu đã được biết đến là nguyên nhân gây viêm kết mạc hàng đầu, tỷ lệ bệnh viêm nhiễm liên gia đình được xác định là khoảng 10 - 50%. Virus lây lan qua tay nhiễm bệnh, giấy, khăn, bể bơi, thuốc và dụng cụ y tế nhiễm bẩn, cũng có thể qua giọt bắn từ mũi qua hắt hơi. Bất cứ thứ gì mà bệnh nhân chạm vào cũng có thể là nguồn lây tiềm tàng.
Các dạng biểu hiện lâm sàng
Có 4 dạng lâm sàng chính của viêm kết mạc do Adenovirus:
Viêm kết giác mạc dịch;
Viêm kết mạc thanh quản có sốt;
Viêm kết mạc cấp có hột, không đặc hiệu
Viêm kết giác mạc mạn tính.
Để chẩn đoán VKM do adenovirus chỉ cần dựa vào thăm khám lâm sàng. Đặc biệt, với thể bệnh viêm kết mạc có hột, phản ứng hạch trước tai không chảy mủ ở mắt. Khi thực hiện xét nghiệm trong VKM do adenovirus phải thực hiện tìm vi khuẩn, chlamydia cũng như virus, bao gồm cả virus adeno và herpes.
Cho đến nay vẫn chưa có phương án điều trị đặc hiệu cho VKM do adenovirus. Các thuốc được khuyên dùng hiện nay là nước mắt nhân tạo, chườm lạnh cho mắt. Kháng sinh không có vai trò gì kể cả chống nhiễm trùng phụ. Dùng kháng sinh bừa bãi có thể dẫn đến kháng thuốc, chẩn đoán nhầm nhất là khi thuốc kháng sinh có thể gây dị ứng và nhiễm độc.
Thuốc kháng virus như Cidofovir và Ganciclovir đang được nghiên cứu xem có thể là phương án điều trị tiềm năng cho dù bằng chứng lâm sàng của thuốc còn khá hạn chế. Povidone_Iodine (PVP-I) loại tra nhỏ mắt điều trị tiềm tàng cho VKM do adenovirus. Các nghiên cứu về tác dụng về tra nhỏ PVP-I kèm với Dexamethasone 0.1% cho thấy triệu chứng lâm sàng giảm rõ rệt, tác dụng rõ trên cả người và động vật. Một đăng tải gần đây về thử nghiệm thuốc phase 2, thử nghiệm có đối chứng đều cho thấy lợi ích của kết hợp PVP-I và Dexamethasone trong việc giảm thời gian biểu hiện lâm sàng và diệt trừ virus, cho dù chưa phải là sản phẩm thương mại và tác dụng phụ của steroid còn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Ngoài việc dùng thuốc kháng virus thì tra nhỏ steroide vẫn đang còn gây tranh cãi. Cho dù nó làm lui giảm triệu chứng nhưng cũng khiến virus lan tràn và thời virus ở dạng hoạt tính sẽ kéo dài, tới tận 12 ngày, đồng nghĩa với việc bệnh nhân chịu viêm nhiễm lâu hơn. Về khía cạnh y tế công cộng cũng là làm virus tuần hoàn trong quần thể và môi trường lâu hơn. Nếu ở thể viêm giác mạc dưới biểu mô, tra nhỏ steroid làm tiêu biến các đốm viêm dưới biểu mô, gia tăng thị lực. Nhưng khi dừng thuốc bệnh lại thường tái phát, đôi khi chỉ là nhanh hay chậm mà thôi. Cũng không nên quên tác dụng phụ của tra nhỏ steroid là đục thể thủy tinh và tăng nhãn áp. Tuy nhiên, điều trị tra nhỏ cortisol tỏ ra hợp lý khi bệnh nhân có giả mạc và màng thực sự, thuốc sẽ làm giảm khả năng hình thành các cầu dính kết mạc. Thêm nữa bệnh nhân có viêm dưới biểu mô dạng đốm chỉ có thể trông chờ vào thuốc tra nhỏ steroid mà thôi để tăng thị lực, quay về lao động bình thường. Những bệnh nhân này nên có lịch khám lại theo dõi biến chứng, được cảnh bảo đầy đủ về tai biến cũng như khả năng tái phát của bệnh khi dừng tra nhỏ steroid.
BS Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt T.Ư)