Virus viêm não Nhật Bản (JE) là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm não. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) Mỹ, hầu hết những người bị nhiễm JE không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.
Ở những người xuất hiện các triệu chứng, thời gian từ khi nhiễm bệnh cho đến khi phát bệnh (thời gian ủ bệnh) thường là 5-15 ngày.
Ảnh minh họa: Sức khỏe và Đời sống. |
Các triệu chứng ban đầu thường bao gồm sốt, nhức đầu và nôn mửa. Những thay đổi về trạng thái tâm thần, các triệu chứng thần kinh, suy nhược và rối loạn vận động có thể phát triển trong vài ngày tới.
Động kinh là phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em. Trong số những bệnh nhân bị nhiễm trùng não, 20% - 30% tử vong. Mặc dù một số triệu chứng cải thiện sau cơn bệnh cấp tính, 30%-50% số người sống sót vẫn tiếp tục có các triệu chứng về thần kinh, nhận thức hoặc tâm thần.
Hiện, bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng.
Nghỉ ngơi, uống nhiều nước và dùng thuốc giảm đau có thể làm giảm một số triệu chứng. Người bệnh nên đến bệnh viện để được điều trị và theo dõi chặt chẽ.
Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy,...
Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi. Vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi. Thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
Tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất:
Mũi 1: Lúc trẻ được 1 tuổi.
Mũi 2: Sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
Mũi 3: Cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó, 3-4 năm tiêm nhắc lại 1 lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Chủ động cho trẻ tiêm vaccine và tuân thủ theo lịch tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo khuyến cáo là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.