Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương đang cách ly một bệnh nhân dương tính với viêm não mô cầu và một trường hợp nghi ngờ. Những người tiếp xúc với cả 2 bệnh nhân viêm não mô cầu cũng đã được cách ly. Viêm não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, dễ lây lan kể cả không tiếp xúc với người bệnh, chúng ta vẫn có thể bị nhiễm từ người lành mang trùng.
Các bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân viêm não mô cầu Phan Thị H. Ảnh MN.
Đang đi làm, vào viện cấp cứu luôn
Bệnh nhân là Phan Thị H., 15 tuổi (Cẩm Đình, Phúc Thọ, Hà Nội). Mẹ bệnh nhân, chị Phạm Thị H. cho biết: “H. đi làm, ở trọ trên Sơn Tây. Sáng hôm đó cháu vẫn đi làm bình thường, tôi cũng không ở bên cạnh lúc đó nên cũng không rõ tường tận sự việc. Nhưng tôi có hỏi bạn cùng phòng với cháu, thì được biết hôm trước cháu có than kêu mệt, sốt.
Tuy nhiên, vẫn không có biểu hiện gì đặc biệt. Cháu vẫn còn pha mì tôm ăn được. Nhưng khi lên chỗ làm, thì cháu sốt, đau đầu, mệt, rồi nghe bạn cùng làm với cháu có nói là cháu bị choáng váng, ngã, ngất. Mọi người đưa cháu lên bệnh viện Sơn Tây. Sau khi làm các xét nghiệm đến tối thì các bác sĩ chuyên cháu đến cơ sở 2, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư”.
“Đến tối tôi cũng mới nhận được điện, rằng lên ngay Bệnh viện Sơn Tây, con gái đang nằm phòng cấp cứu. Lúc tôi lên đến nơi thì cháu mê man, nói mê sảng. Sốt cao. Các bác sĩ bảo, còn không biết người thân của cháu ở đâu mà liên lạc gọi về. Mãi sau qua hỏi thăm họ mới biết được số điện thoại của tôi”, mẹ bệnh nhân bùi ngùi.
“Tôi bàng hoàng, lo lắng lắm không biết cháu có khỏi được hay không. Từ trước tôi không hề biết về bệnh viêm não mô cầu. Sau khi thấy tình trạng cháu như vậy tôi rất lo sợ. Cháu lại còn bị thiếu máu nữa. Hôm nay là ngày thứ 5. Cháu đã tỉnh hơn, nhưng chưa nói được. Mỗi lần tôi hỏi thì cháu chỉ gật.
Mẹ bệnh nhân đứng bần thần ngoài cửa phòng bệnh lo cho tình trạng bệnh của con. Ảnh MN.
Nhà tôi nghèo, nhà tôi có hai mẹ con, bố cháu mất rồi. Các cô dì chú bác cũng chỉ tới thăm, chiều là về. Chỉ có tôi ở đây chăm cháu. Nhà tôi hoàn cảnh quá, tiền nong vay mượn. Bệnh này bác sĩ nói tốn kém. Mà cháu lại không có bảo hiểm, cháu ở tuổi học sinh nhưng nhà hoàn cảnh, cháu phải bỏ học đi làm nên không có bảo hiểm học sinh. Từ hôm vào viện nộp tất cả hơn 40 triệu, cả tiền truyền máu”, chị H. rơm rớm nước mắt.
Chị H. nghẹn ngào: “Tôi lo lắng vì BS bảo nhanh phải 10 ngày, còn không phải lâu hơn nữa mới có thể xuất viện. Nhưng cũng không biết làm thế nào, cố gắng vay mượn, mong cho con khỏe mạnh. Rồi thì hai mẹ con lại đi làm rau cháo nuôi nhau, kiếm tiền trả nợ. Tôi chỉ có cháu là con duy nhất, cháu có bề gì tôi không sống nổi”.
Thể nặng có thể tử vong tới 40 – 50%
BS nội trú Bá Đình Thắng, Khoa cấp cứu cơ sở 2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, bệnh nhân viêm não mô cầu 15 tuổi được chuyển từ bệnh viện Sơn Tây đến ngày 13/4 đến trong tình trạng rất nặng: rối loạn ý thức, sốt cao liên tục, có vài nốt xuất xuất huyết điển hình của VNMC. Bệnh nhân được hồi sức tích cực: đặt nội khí quản, thở máy, tăng nội mạch, co bóp cơ tim và điều trị tích cực kháng sinh…Hiện tại, BN đã giảm sốt, giảm nhiễm khuẩn nhưng vẫn cần điều trị một thời gian dài nữa.
Trường hợp thứ 2 là một bé gái 14 tháng tuổi, tại Kim Chung, Đông Anh (Hà Nội) nghi ngờ bị viêm não mô cầu. Trẻ có biểu hiện sốt cao, liên tục, sốt nóng, có các cơn co giật, tím tái, lơ mơ nhưng chưa có kết quả chính thức.
Các nốt ban nổi trên chân của bệnh nhân H. Ảnh MN.
BS nội trú Thắng cho biết, bệnh viêm màng não do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc. Ngày nay, nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong từ 5% đến 15% nhưng để muộn, bệnh nhân có nhiễm khuẩn huyết, sốc tỷ lệ tử vong có thể lên tới 40 – 50%.
ThS Nguyễn Hồng Hà, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, bệnh có các thể lâm sàng đa dạng như viêm màng não tuỷ cấp có mủ, nhiễm vi khuẩn huyết do não mô cầu, viêm khớp do não mô cầu, viêm màng trong tim do não mô cầu. Ngoài ra, có nhiều người bị nhiễm não mô cầu nhưng chỉ có sốt và/hoặc viêm mũi họng. Bệnh thường xảy ra các vụ dịch lẻ tẻ nhưng công tác kiểm soát dịch và điều trị khó khăn, đặc biệt là những trường hợp bị nặng: sốc, nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, suy hô hấp, hạ huyết áp… sau điều trị khả năng phục hồi kém.
Nhiễm khuẩn não mô cầu có thể gây ra 2 bệnh nặng là viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn tối cấp. Nhiễm khuẩn tối cấp đe dọa gây tử vong trong vòng 24-36 giờ. Ngoài ra, não mô cầu còn có thể gây các bệnh cảnh nhẹ hơn như viêm khớp nhiễm trùng, viêm màng ngoài tim, viêm niệu đạo, viêm phổi và viêm kết mạc.
Nguồn lây chủ yếu là người lành mang trùng
BS nội trú Thắng cho biết, Việt Nam có bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm A lưu hành ở nhiều nơi. Bệnh chủ yếu lưu hành ở các ca bệnh lẻ tẻ và rất hiếm khi bùng phát thành dịch. Não mô cầu lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp, các giọt chất tiết hô hấp từ người bệnh bắn ra xung quanh có thể lây cho người tiếp xúc trong phạm vi 1m hoặc tiếp xúc kéo dài trên 8 giờ.
Mọi đối tượng chưa có miễn dịch đều có khả năng mắc bệnh, hay gặp hơn là trẻ dưới 1 tuổi và nhóm trẻ thanh thiếu niên nhưng nặng và hay gặp ở những người bị miễn dịch kém như: tiểu đường, cao huyết áp, trẻ em, người già…
ThS Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh, ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là người. Không chỉ có người mắc bệnh mới có vi trùng và gây lây nhiễm mà người khỏe mạnh cũng có thể gây bệnh cho người khác. Bởi thông thường có khoảng 10% người lành mang trùng và trong vụ dịch, có thể có trên 25% số người bị nhiễm vi khuẩn không có biểu hiện lâm sàng điển hình và có tới trên 50% số người khoẻ mang vi khuẩn não mô cầu.
Đó là những nguồn lây rất quan trọng của bệnh trong cộng đồng. Vì vậy, đôi khi người nhiễm vi khuẩn không bị bệnh mà người tiếp xúc có thể nhiễm bệnh vì sức đề kháng kém. Thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, thông thường từ 3 – 4 ngày. Vi khuẩn thường chỉ gây viêm niêm mạc hầu họng. Trường hợp vi khuẩn xâm nhập vào máu và màng não tuỷ gây bệnh điển hình thì ít xảy ra hơn.
ThS Hà nhấn mạnh, phòng bệnh là yếu tố quan trọng nhất. Vì vậy, cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; Chủ động tiêm phòng văcxin phòng bệnh cho trẻ lúc 6 tháng và 2 tuổi và tiêm nhắc lại khi văcxin hết hiệu lực. Khi có biểu hiện: sốt cao đột ngột, đau đầu, buồn nôn, phát ban xuất huyết hoại tử rải rác trên da và lan rộng toàn thân, có thể có dạng phỏng nước… thì cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay. Tránh để bệnh nhân rơi vào tình trạng truỵ mạch, suy tuần hoàn, rối loạn đông máu… và tử vong.
Mai Loan – Thúy Nga