Việc thiện, cứ lặng lẽ mà làm

Việc thiện, cứ lặng lẽ mà làm, đ

Bà Vũ Thị Hạnh.

Không gì quan trọng bằng nấu cháo

Suốt 7 năm nay, tuần nào bà Hạnh cũng có 3 buổi nấu cháo và tối thứ sáu nấu cơm phát cho người vô gia cư. Bà thường cùng tổ cháo từ thiện Thanh Bình chùa Quán Sứ nấu và phát cháo tại Bệnh viện K và viện Tim Hà Nội. Có cả thẻ để vào tận nơi phát cho người bệnh.

Bà kể, năm 2011, con ốm phải vào viện, bà mới thấy hết nỗi vất vả của những bệnh nhân nghèo. Đau đớn, ốm đau bệnh tật đã đành, lại còn phải chịu muôn nỗi vất vả, khổ cực của người ở xa về thành phố chữa bệnh.

Nhất là những người thân về trông người bệnh, từ chỗ ngủ đến miếng ăn đều vạ vật, vất vả. Thế là bà phát tâm nguyện sẽ nấu cháo từ thiện để giúp phần nào chia sẻ bớt những khó khăn của người bệnh.

Khi con được ra viện, bà bắt đầu thực hiện tâm nguyện của mình. Quan niệm của bà lúc đầu là dựa vào sức mình là chính, mọi thứ tự mình bỏ tiền ra mua, tự mình nấu rồi mang vào viện để phát. Nhưng dần dần, biết được việc làm đầy ý nghĩa của bà, rất nhiều người đến tham gia. Người có tiền góp tiền, người không có tiền thì góp công sức, đến nhặt giúp mớ rau, nấu nồi cơm…

Đến nay lại có cả sự cộng tác của các bạn trẻ trong nhóm Chia sẻ vì cộng đồng. Cứ 10h tối thứ sáu, khi các suất cơm đã được chuẩn bị xong, họ lại tới nhận rồi đi khắp các ngõ phố, gầm cầu để phát cho những người vô gia cư. Đó là sự hỗ trợ rất lớn vì bản thân bà Hạnh không đi được xe máy, lại có tuổi rồi nên đi lại đêm hôm cũng khó.

Với bà bây giờ không có gì quan trọng bằng công việc nấu cháo. Chỉ những khi ốm đau hay gia đình có việc, bà mới nghỉ. Kể cả việc lên chùa đọc kinh bà cũng bố trí vào những ngày khác, tránh những buổi nấu cháo. Bởi bà chỉ nghĩ đơn giản là người ta đã quen vào những ngày đó mình mang cháo, mang cơm đến, họ chờ đợi, mà vì bất cứ lý do gì mình nghỉ đều không chấp nhận được.

Cứ nghĩ đến sự chờ đón, những ánh mắt sáng lên niềm vui khi được chia sẻ, động viên như thế là quên hết mệt mỏi, là không thể bỏ được.

Làm việc thiện, nhiều người giúp

Thu nhập chính của bà Hạnh là từ quán bán nước nhỏ ngay đầu ngõ. Cái quán nhỏ, khách ra khách vào uống chén nước chè hay nước vối chỉ 3000đ. Mọi chi tiêu đều trông cả vào đấy. Cậu con trai thì đã lập gia đình, ra ở riêng. Chồng mất hơn chục năm rồi, nên giờ chỉ có mình bà, chi tiêu cho bản thân thì chả là mấy, chủ yếu là dành dụm để làm việc từ thiện.

Lúc tôi đến, đã gần 9 rưỡi sáng, bà Hạnh mới đang ăn sáng. Bà bảo từ sáng đến giờ bận đọc kinh, nên dọn hàng xong thì mấy chị em ở đây trông hộ. Bận bán hàng từ sáng đến tối, nhưng được cái hàng xóm láng giềng ở đây rất tốt, lúc nào bà có việc sang chùa hay đi phát cháo là có người nọ người kia đến trông hàng giúp ngay.

Ngược lại, ngồi trông hàng ở đấy, phía trong là quán bán phở, bún chay, có khách đến ăn, chị chủ quán đang dở tay việc gì, là bà lại vào bán hàng giúp. Bà bảo, ở trong ngõ này mọi người sống với nhau từ xưa đến giờ nên biết tính và rất hay giúp đỡ nhau.

Nói chuyện với bà thấy mọi việc sao mà đơn giản, nhẹ nhàng, chẳng có gì to tát. Mặc thì chỉ mấy bộ quần áo nâu, đi chơi, đi du lịch cũng không thích bằng ở nhà lên chùa và nấu cháo. Làm được việc gì để giúp cho mọi người là điều hoan hỉ, nên làm.

Ngồi chơi một lúc, lại nghe thấy bà dặn một chị bán hàng mang đến cho 10kg đậu đen, 10kg đậu xanh để sắp tới rằm tháng Bảy sang chùa nấu chè phục vụ các cụ đến làm lễ.

Minh Châu

Theo Đời sống
back to top