Theo kịch bản diễn tập, các khẩu đội tên lửa phòng thủ bờ biển Bal cơ động hành quân từ căn cứ thường trú đến khu vực trận địa theo nhiệm vụ được giao trên đường hành quân. Đơn vị tên lửa đất đối hải triển khai đội hình chiến đấu, thục luyện bài tập chiến thuật phát hiện các mục tiêu trên biển.
Sau khi phát hiện được mục tiêu, giả định chiến hạm mặt nước kẻ thù, kíp trắc thủ tên lửa nhận mệnh lệnh chiến đấu và phóng đạn. Sau loạt tên lửa được phóng chính xác, mục tiêu bị phá hủy.
Để đảm bảo sát thực tế chiến đấu, bề mặt mục tiêu được trang bị các tấm phản xạ radar góc đặc biệt nhằm gây khó khăn cho việc tìm kiếm, phát hiện.
Lực lượng phòng thủ bờ biển Nga phóng tên lửa Kh-35 tổ hợp Bal. Video TV Zvezda
Cuộc diễn tập được thực hiện theo kế hoạch huấn luyện chiến đấu của Hạm đội Biển Đen, đặt mục tiêu sẵn sàng ngăn chặn bất cứ hoạt động khiêu khích nào của kẻ thù tiềm năng trong vùng nước ven bán đảo Crimea.
Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bal là hệ thống vũ khí cơ động (lắp đặt trên khung gầm xe địa hình MZKT-7930), bao gồm: 2 xe chỉ huy, điều hành tác chiến và thông tin liên lạc (SKPUS). 4 xe phóng tên lửa (SPU) được lắp từ 4 - 8 ống container vận tải và phóng tên lửa chống hạm (ASM) Kh-35 / Kh-35E và Kh-35U / X-35UE (TPK). 4 xe vận tải nạp đạn.
Phạm vi tấn công của tên lửa phòng thủ bờ biển là 120 km với tên lửa Kh-35 và 260 km với tên lửa Kh-35U. Giãn cách phóng tên lửa là 3s. Ưu thế chính của tổ hợp là có thể liên tiếp phóng loạt, gây khó khăn lớn cho các hệ thống phòng thủ tên lửa chiến hạm.
Hiện nay, Hải quân Việt Nam đã có thể chủ động sản xuất tên lửa KTC-15 (Kh-35E) và ống container vận tải phóng. Điều đó cho phép Việt Nam có thể phát triển các hệ thống phòng thủ bờ biển tương tự như Bal của Nga.
Thiết kế chế tạo ống phóng và giá phóng tên lửa đối hải