<div> <p>Ông Lê Đình Quyết, Phó phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết mọi năm, từ giữa cuối tháng 2, Nam Bộ bắt đầu xuất hiện nắng nóng ở một số nơi tại miền Đông. Tuy nhiên, năm nay, sang đầu tháng 3, Đông Nam Bộ mới có nắng nóng.</p> <p>Khu vực này có nơi ghi nhận nhiệt độ cao nhất là 35,5 độ C như ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước (ngày 2-3/3); Tây Ninh 35,8 độ C (ngày 28/2); TP Biên Hòa (Đồng Nai) ghi nhận 35,9 độ C vào đầu tháng 2. Riêng TP.HCM lên đến 35-36 độ C.</p> <p>Lý giải hiện tượng này, ông Quyết cho biết do hệ thống áp cao cận nhiệt đới hoạt động trên các tầng cùng với tác động của áp thấp nóng ở tiểu lục địa Ấn Độ khiến nắng nóng xuất hiện diện rộng tại Nam Bộ.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="nang nong anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/03/04/znews-photo-zadn-vn_sg8_zing.jpg" title="nắng nóng ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Cùng với nắng nóng, tia UV tại TP.HCM cũng ở mức cực đại từ 9-10. Ảnh: <em>Duy Anh.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Ông Quyết cho hay vào đầu tháng 3, nắng nóng chưa thực sự gay gắt. Tuy nhiên, nhiệt độ cảm nhận thực tế có thể lên đến 37-38 độ C, cao hơn nhiệt độ quan trắc 1-2 độ C. Bên cạnh đó, chênh lệch nhiệt giữa ngày và đêm khá cao nên người dân dễ mắc bệnh về hô hấp, say nắng.</p> <p>Chuyên gia khuyến cáo người dân hạn chế ra đường giữa trưa. Trong trường hợp phải đi ra ngoài, người dân cần che chắn để tự bảo vệ như dùng kem chống nắng, mặc trang phục dày, đeo kính râm...</p> <p>Những ngày tới, cơ quan khí tượng dự báo vị trí trục của áp cao cận nhiệt đới ngang qua các tỉnh Nam Trung Bộ nhưng hoàn lưu bao trùm Nam Bộ và hoạt động mạnh. Do đó, ngày 5-8/3, khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ có thể xuất hiện nắng nóng diện rộng với nền nhiệt 35-36 độ C.</p> <p>Khu vực Nam Bộ nắng mạnh và nắng nóng có xu hướng mở rộng hơn, đặc biệt là ở miền Đông và TP.HCM, nhiệt độ cao nhất có thể lên đến 36 độ C.</p> <table class="article"> <tbody> <tr> <td> </td> </tr> </tbody> </table> </div> <p> </p>