Suy giảm trí nhớ (hay còn gọi là chứng hay quên) là tình trạng chức năng ghi nhớ của não bộ suy giảm hoặc quá trình vận chuyển thông tin về vỏ não bị ngưng trệ. Người bị suy giảm trí nhớ thường gặp khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin, hình thành ký ức mới hay tái hiện lại các sự việc đã xảy ra trong quá khứ. Tình trạng này có thể làm cho trí nhớ và khả năng tư duy kém dần theo thời gian, thậm chí làm tăng nguy cơ dẫn đến sa sút trí tuệ hoặc bệnh Alzheimer.
Nhiều người cho rằng, suy giảm trí nhớ là căn bệnh chỉ xảy ra ở người già. Tuy nhiên, một nghiên cứu được thực hiện trên hơn 18,500 người trong độ tuổi từ 18 đến 99 cho thấy, có đến 20% số người được khảo sát gặp vấn đề về trí nhớ. Trong đó, tỷ lệ gặp phải ở thanh niên là 14%, độ tuổi trung niên là 22% và người cao tuổi là 26%.
Nếu như với người già, nguyên nhân sa sút trí tuệ chủ yếu do lão hóa thì đối với người trẻ tuổi, các yếu tố như áp lực công việc, căng thẳng trong cuộc sống, thiếu ngủ, chế độ ăn uống nhiều thức ăn nhanh, hay tiêu thụ quá mức chất kích thích, rượu bia, thuốc lá... chính là tác nhân góp phần tạo nên tình trạng giảm trí nhớ ở người trẻ.
Vì sao tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ gia tăng?. Ảnh minh họa |
Dấu hiệu suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi
Các biểu hiện thường gặp của suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi bao gồm:
Kém tập trung, thường xuyên lơ đãng trong công việc và học tập
Hay quên mọi thứ, khó ghi nhớ một thông tin mới
Giảm khả năng tư duy, khả năng nhìn nhận và đánh giá sự việc
Rối loạn hành vi như nhắc đi nhắc lại một câu nói, diễn đạt vòng vo do quên từ
Khó khăn trong việc nhận thức thời gian, địa điểm, vị trí của bản thân
Tâm lý, cảm xúc thay đổi bất thường (dễ nóng giận, phiền muộn, thờ ơ,…)
Nguyên nhân giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi. Trong đó, nhiều nguyên nhân liên quan đến lối sống có thể được kiểm soát ngay từ khi còn trẻ.
Thiếu ngủ gây nên tình trạng trí nhớ kém ở người trẻ
Thiếu ngủ là nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ thường gặp nhất. Việc thiếu ngủ, ngủ không ngon giấc có thể gây ảnh hưởng đến quá trình củng cố trí nhớ và lưu trữ thông tin ký ức tại vỏ não. Điều này khiến thông tin bị ngưng trệ dẫn đến mau quên. Ngoài ra, khi thiếu ngủ kéo dài và thường xuyên, bạn dễ cảm thấy mệt mỏi, tâm trạng thay đổi thất thường, đầu óc không tỉnh táo, từ đó gây ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ.
Làm việc quá sức
Phải làm quá nhiều việc cùng một lúc có thể khiến não bộ bị quá tải. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh giảm trí nhớ ở người trẻ. Các chuyên gia khuyên rằng, bạn nên tập trung làm tốt việc này rồi mới đến việc khác, đồng thời nên ghi lại các việc cần làm ra một quyển sổ rồi thực hiện tuần tự.
Căng thẳng, trầm cảm có thể là nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi
Người thường xuyên bị căng thẳng hoặc lo lắng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc ghi nhớ những ký ức mới cũng như khơi gợi lại những ký ức cũ hơn người bình thường.
Ngoài ra, những dấu hiệu trầm cảm như buồn bã, mất tập trung hoặc giảm khoái cảm khi đạt được thành quả bạn từng mong ước, lâu dần sẽ góp phần gây nên tình trạng trí nhớ kém ở người trẻ tuổi.
Bệnh giảm trí nhớ ở người trẻ do lạm dụng rượu, bia
Uống quá nhiều rượu bia có thể ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn, ngay cả khi tác dụng của rượu đã hết. Các chuyên gia khuyến nghị bạn không nên uống quá 2 ly bia/ngày (đối với nam) và không quá 1 ly bia/ngày (đối với nữ).
Dinh dưỡng không đầy đủ gây suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi
Não bộ sẽ hoạt động tốt nhất nếu được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Thiếu máu do thiếu sắt hay thiếu hụt vitamin B12 gây nên các biểu hiện như hoa mắt, lú lẫn, chậm chạp, thờ ơ…và dễ dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ.
Khắc phục tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ
Cho đến nay vấn đề chữa trị suy giảm trí nhớ vẫn còn nhiều hạn chế, rất khó khăn để có thể phục hồi trí nhớ cho người bệnh. Chính vì vậy, việc phòng tránh suy giảm trí nhớ vẫn là vấn đề quan trọng nhất. Để tăng cường sức khỏe não bộ, bất kỳ ai cũng cần lưu ý những nguyên tắc quan trọng, bao gồm:
Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya: Một giấc ngủ đầy đủ giúp cơ thể hồi phục sau một ngày dài, người trưởng thành nên ngủ từ 6-8 tiếng mỗi ngày để bộ não được nghỉ ngơi để có đủ sức khỏe cho ngày hôm sau.
Thường xuyên vận động, tập thể dục thể thao giúp khí huyết lưu thông tốt, giúp gia tăng thải trừ các chất độc tích tụ trong cơ thể để bộ não được cung cấp đầy đủ dưỡng chất và oxy, đảm bảo cho các hoạt động của não.
Bổ sung đủ dinh dưỡng, uống đủ nước, hạn chế chất kích thích, đặc biệt là cần tránh thực phẩm quá nhiều dầu mỡ; tăng cường lượng vitamin và khoáng chất cho cơ thể và não bộ từ ngũ cốc, các loại hạt, các loại rau xanh, trứng, thịt gà...; thực phẩm giàu canxi như hải sản, đậu nành, súp lơ, cá biển, hạnh nhân...
Tránh căng thẳng
Lao động trí não thường xuyên, dưới những hình thức học tập như ngoại ngữ, âm nhạc... cũng là những hình thức rất tốt giúp não được hoạt động, làm chậm quá trình teo não.
Rèn luyện ghi nhớ bằng các trò chơi trí tuệ 15 – 30 phút mỗi ngày thay vì lãng phí quá nhiều thời gian trên mạng xã hội.