Vì sao tiêm truyền “chui” nở rộ dù tiềm ẩn rủi ro?

Cơ quan chuyên môn liên tục cảnh báo về nguy cơ gây hại sức khỏe khi tự ý tiêm truyền tại nhà, truyền dịch (còn gọi là nước biển). Thế nhưng, nhiều người vẫn chủ quan sử dụng dịch vụ này, bất chấp nguy hiểm.

Như đề cập ở bài "Loạn quảng cáo dịch vụ truyền nước biển tại nhà" trên số 31 phát hành ngày 1/8/2024, dù cơ quan chức năng liên tục phát hiện, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tiêm, truyền tại nhà trái phép, mạng xã hội vẫn xuất hiện dày đặc thông tin quảng cáo dịch vụ này. Ở TP HCM, dịch vụ trên có mặt tại nhiều quận, huyện…

Mệt là gọi truyền dịch tại nhà

Nhiều người có suy nghĩ, cứ mệt, sốt thì truyền dịch sẽ nhanh khỏe hơn. Từ đó, truyền dịch trở thành phương pháp chữa bệnh rẻ, nhanh, tiện lợi bởi có thể thực hiện ngay ở nhà thông qua hướng dẫn trên... Internet, hoặc nhờ y tá, điều dưỡng nhận tiêm truyền tại gia, hay đến các phòng khám tư nhân gần nhà mà không cần khám, chữa bệnh hay thực hiện xét nghiệm ở bệnh viện.

Nhiều người dùng Facebook đăng thông tin tìm dịch vụ truyền nước biển tại nhà trên nhóm “Truyền nước biển tại nhà - Dịch vụ bác sĩ gia đình TP HCM”. Ảnh chụp màn hình.

Chia sẻ với PV Khoa học và Đời sống/ Tri thức và Cuộc sống ngày 5/8, bà Bùi Thị Nga (ngụ quận 4, TP HCM) cho biết, khoảng một tháng trước, thấy cơ thể mệt, bà chủ động gọi y tá tên Cường (dịch vụ tiêm truyền) đến nhà người quen truyền dịch. Đến nơi, người này cho biết, bà mệt do lâu ngày máu bị đặc, phải truyền nước trái cây và nước khỏe để máu loãng ra, cơ thể sẽ đỡ mệt mỏi. Chi phí 2 bình dịch truyền là 450.000 đồng, gồm cả tiền công.

“Họ truyền rất nhanh, cả hai bình dịch truyền trong 60 phút”, bà Nga nói và cho hay, người truyền dịch không hỏi gì khác, mặc dù bà có bệnh lý tim mạch.

“Hiện, tôi vẫn thấy cơ thể rất mệt, muốn truyền nước cho khỏe nhưng không dám gọi y tá Cường đến truyền dịch vì người quen ngăn cản, sợ bị sốc thuốc…”, bà Nga nói thêm.

Không chỉ riêng bà Nga, trên các hội nhóm mạng xã hội như "Truyền nước biển tại nhà TP HCM", "Truyền nước biển tại nhà - dịch vụ khám bệnh tại nhà TP HCM", "Dịch vụ y tế tại nhà TP HCM"… với hàng nghìn thành viên quan tâm chủ đề này. Đa số bài đăng, bình luận là của những người cần tìm dịch vụ truyền nước biển.

Trên nhóm “Truyền nước biển tại nhà - Dịch vụ bác sĩ gia đình TP HCM”, nhiều người dùng Facebook đăng thông tin: “Em ở Linh Tây Thủ Đức, cần truyền nước trái cây tại nhà”; “Em ở quận 9, có ai truyền nước giờ không?”; “Em cần gấp bác sĩ vào nước biển tại nhà quận Bình Tân gần bến xe Miền tây”….

Đăng tin trên nhóm “Truyền nước biển, truyền dịch tại nhà TP HCM”, người dùng Facebook có tên Lê Thị Thanh Tuyền cho biết: “Sáng mai, em cần truyền nước biển tại nhà ở quốc lộ 13 Hiệp Bình Chánh Thủ Đức, ai có inbox em nhé”…

Truyền dịch tại… quán cà phê

Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP HCM triển khai quy trình phản ứng nhanh phối hợp Phòng Y tế Quận 1, UBND Phường và Công an Phường Tân Định, Quận 1 kiểm tra tại “Quán Café Gờ” (số 133A Hoàng Sa, phường Tân Định, quận 1) phát hiện “dịch vụ truyền nước biển” trái quy định.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn ghi nhận tại tầng 2 đang có nhiều khách ngồi uống cà phê, lẫn trong đó, tại góc khuất có phụ nữ ngồi ghế đang được truyền dịch. Cụ thể, người này được truyền 1 chai NaCl 0,9% 250ml có pha 1 ống vitamin nhóm B (Vincozyn 2ml), 1 ống Vitamin C 500mg/5ml, 1 ống Glucose 30% 5ml. Người cung ứng “dịch vụ truyền nước biển” là bà V.K.P. (32 tuổi).

Đoàn kiểm tra còn ghi nhận trên bàn làm việc còn có túi sơ cấp cứu với máy đo huyết áp, ống nghe, nhiệt kế, ống lấy máu, bơm tiêm, dây truyền dịch, dịch truyền Natri Clorid 0,9%, Lactate Ringer, polymian kabi (vitamin) 500 ml và nhiều loại thuốc tiêm, truyền như: vitamin C 500mg/5ml ống, tanganil 500 mg/5 ml, piracetam 12g/60ml, paracetamol kabi 1g/100ml, metronidazol 500mg/100ml, gentamycin 80 mg/2ml, adrenalin 1 mg/1ml 01 ống, hydrocortison 100 mg 01 ống…

Theo giải trình của V.K.P., bà học lớp sơ cấp y 12 tháng vào năm 2009, không có Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và mới truyền dịch tại nhà cho 2 khách hàng trong tháng 6/2024. Giá tiền 350.000 đồng/người, tổng số tiền đã thu 700.000 đồng.

Phát hiện Công ty TNHH Dịch vụ Chăm sóc Y tế VMEDI quảng cáo cung cấp dịch vụ truyền nước biển tại nhà trái phép. Ảnh: Sở Y tế TP HCM.

Thanh tra Sở Y tế đã lập biên bản vi phạm hành chính số 259/BB-VPHC ngày 27/6/2024 về lĩnh vực y tế đối với bà V.K.P. vì: Khám, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề và cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động với tổng số tiền 80.000.000 đồng; yêu cầu bà V.K.P ngừng ngay việc hành nghề khám, chữa bệnh cho đến khi có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định.

Ngoài ra, tra cứu phần mềm lắng nghe mạng xã hội Social Beat và Cổng thông tin doanh nghiệp thành phố, Tổ công tác đặc biệt Sở Y tế còn phát hiện trang Facebook “Truyền nước biển tại nhà - Dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà TP HCM” của Công ty TNHH Dịch vụ Chăm sóc Y tế VMEDI (số 255/14 liên khu 4 - 5, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân). Bà V.K.P., với biệt danh Phung Vu, tham gia bình luận tại trang Facebook này để tìm kiếm khách hàng có nhu cầu truyền nước biển tại nhà.

Tổ công tác đặc biệt kiểm tra tại địa chỉ nêu trên, ghi nhận cơ sở có các biển hiệu “Công ty TNHH Dịch vụ Chăm sóc Y tế VMEDI, Cửa hàng thiết bị y tế gia đình, Cung cấp - cho thuê thiết bị y tế gia đình, Hợp đồng Dịch vụ Chăm sóc Y tế, Vmedi.com.vn”. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang đóng cửa, lực lượng chức năng yêu cầu chủ nhà mở cửa cho Đoàn kiểm tra. Sau đó, chủ cơ sở đã mở cửa tiếp đoàn.

Ông N.B.T, Giám đốc Công ty, xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp ngày 25/12/2023. Ngành nghề kinh doanh là bệnh viện, trạm y tế, phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa (trừ lưu trú bệnh nhân); bán buôn tổng hợp (bán buôn thiết bị vật tư y tế); bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh....

Ông N.B.T. cho biết, từ tháng 10/2023 đến tháng 1/2024, ông đã truyền dịch tại nhà cho khách hàng nhưng sau đó ngừng hoạt động. Đến tháng 3/2024, ông lập trang website “Vmedi.com.vn” để kết nối với các bác sĩ, điều dưỡng tham gia cung ứng khi khách hàng có nhu cầu. Hiện tại, website Vmedi.com.vn có hơn 40 tài khoản đăng ký tham gia, trong đó có 20 tài khoản (gồm các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng) đã được duyệt tham gia hoạt động.

Hiểm họa khó lường

Bác sĩ CKII Nguyễn Viết Hậu, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết, việc tự ý truyền nước biển tại nhà khi không có chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Một số phản ứng thường gặp phải như: Phản ứng ngay tại vị trí truyền dịch; phản ứng toàn thân. Nhiều trường hợp sốt cao, khó thở, tím tái… Đây là những dấu hiệu của sốc phản vệ tình trạng rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tính mạng người bệnh.

Theo bác sĩ Hậu, đầu tiên, phải xem các loại dịch truyền là thuốc, mà đã là thuốc thì phải có bác sĩ khám, chỉ định đúng. Quá trình truyền dịch phải có người theo dõi nhằm đảm bảo an toàn về mặt nhiễm khuẩn hay có dị ứng xảy ra, đảm bảo số lượng dịch truyền đưa vào cơ thể…

Sốc phản vệ, tử vong sau truyền dịch

Đầu tháng 7/2024, ngành y tế Lào Cai ghi nhận trường hợp tử vong sau khi truyền dịch tại nhà.

Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế TP Lào Cai, ngày 8/7, bà P.T.C. (SN 1962, tại phường Cốc Lếu, TP Lào Cai) mệt mỏi nên gọi điện cho bà L.T.H.P. - Phó trưởng Trạm Y tế phường Lào Cai - đến truyền dịch tại nhà từ 17h đến 17h30.

Sau đó, người bệnh có biểu hiện sốc phản vệ. Bệnh nhân được bà P. tiêm chống sốc và kịp thời đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa TP Lào Cai. Đến 20h cùng ngày, bệnh nhân không qua khỏi.

Trước đó, tháng 3/2023, cụ bà T.T.H. (71 tuổi, ngụ xã Tân Lập, huyện Krông Búk, Đắk Lắk) than mệt mỏi, khó chịu, được con trai chở đến phòng khám tư ở thị xã Buôn Hồ khám.

Theo người nhà nạn nhân, các bác sĩ tại phòng khám tư đã yêu cầu bà H. nằm lại để truyền nước. Sau khoảng 15 phút, bà H. bỗng tím tái rồi lịm đi, tắc thở. Phòng khám đã đưa bà H. đến Bệnh viện đa khoa Hòa Bình (thị xã Buôn Hồ) để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ xác định bà H. tử vong trước khi vào viện.

Hồi tháng 7/2022, nữ bệnh nhân (28 tuổi, TP HCM) cũng tử vong sau truyền dịch tại phòng khám tư. Trước đó, bệnh nhân mệt, sốt nên đến phòng khám tại quận Bình Tân khám.

Theo người thân, bệnh nhân được phòng khám này truyền dịch, sau đó chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong trước khi đến viện. Cô gái có kết quả mắc sốt xuất huyết.

Tháng 8/2020, một thanh niên (17 tuổi, ở Hà Nội) cũng vào Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốc, ngưng tim. Trước đó, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và truyền dịch tại nhà. Khi đến bệnh viện, người bệnh đã ngừng tim 30 phút do sốc khi truyền dịch tại nhà. Các bác sĩ đã hồi sức tim cho bệnh nhân và đặt ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, người bệnh tử vong 2 ngày sau đó do suy đa tạng.

Theo VietnamDaily
back to top