Nhiều cây chết khô
Theo quan sát của phóng viên, sau gần 3 năm trồng, những cây phong trên đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh đang trong tình trạng trơ trụi lá, nhiều cây bị chết khô.
Trước đó, nằm trong chủ trương của Hà Nội về chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh (giai đoạn 2016 - 2020). Đầu năm 2018, TP Hà Nội đã cho trồng 100 gốc cây phong lá đỏ tại tuyến phố Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh với hi vọng sẽ mang lại cho thủ đô diện mạo mới. Trong 2 năm đầu, loạt cây này vẫn sinh trưởng khá ổn định, tuy nhiên lá không chuyển hẳn sang được màu đỏ như kỳ vọng. Đến nay, nhiều cây phong lá đỏ trên đường Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh có dấu hiệu rụng lá, chết khô, thậm chí có vài cây bị nứt toác thân khi trời chuyển sang đông. Những cây còn lại thì trơ trọi lạ, khẳng khiu.
Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội khẳng định, hàng phong lá đỏ đang thay lá chứ không phải chết. Có hơn chục cây chết đã được loại bỏ. Số cây phong trên phố Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh là trồng thử nghiệm, đang trong quá trình thích nghi.
TS Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia công nghệ sinh học cho biết, cây phong lá đỏ có nguồn gốc ở vùng khí hậu ôn đới, ưa khí hậu lạnh. Khoảng thời gian này, thời tiết ban ngày ở Hà Nội nắng gắt, hanh khô, cây bị táp lá là phản xạ bình thường với thời tiết. Do khác điều kiện khí hậu nên cây cần thời gian thích nghi. Để khẳng định cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường khí hậu nhiệt đới gió mùa hay không, phải cần trồng từ 4 - 5 năm. Nguyên nhân cây chết có thể chết do sâu bệnh, thiếu nước, thiếu khoáng khoáng… không loại trừ khả năng do khí hậu.
Không phù hợp trồng ở Hà Nội
Ông Lê Huy Cường, chuyên gia thuộc Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam, đánh giá đặc tính của cây phong lá đỏ không phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam và đặc biệt là khu vực đô thị như Hà Nội. Loại cây này khi đưa về Việt Nam vẫn có thể sinh trưởng tốt, nhưng cần có những điều kiện chăm sóc rất đặc biệt như công viên, vườn hoa, nơi có độ cao và không khí lạnh. Còn trồng ở đường giao thông như Hà Nội, mùa hè có khi nhiệt độ lên đến 50 độ C thì cây khó sống được.
GS.TS Lê Đình Khả, Giám đốc Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp cho rằng, cây phong lá đỏ được trồng ở Hà Nội bị chết chủ yếu do sinh thái không phù hợp. Sai lầm có thể từ quy trình trồng không đầy đủ, không bài bản, nghiêm túc, chưa qua trồng thử đã đưa vào chương trình trồng ngoài tự nhiên. Đối với những giống cây đưa từ nơi có khí hậu khác biệt về, phải được trồng thử nghiệm, đánh giá bài bản ở từng điều kiện khí hậu xem chúng phù hợp với môi trường sống nào. Dù tiền để trồng cây do doanh nghiệp tài trợ thì vẫn cần coi trọng tính khả thi cũng như các yếu tố khoa học, không nên nói vì đó là tiền doanh nghiệp tài trợ nên cây có chết cũng không tiếc.
Theo GS.TS Lê Đình Khả, Hà Nội nên chọn loại cây khác phù hợp với điều kiện sinh thái đường phố. Cây phong lá đỏ không phù hợp để trồng ở đường phố Hà Nội, nên việc nghiên cứu trồng nhân rộng cây là không cần thiết. Phong lá đỏ thuộc dạng khó trồng ở khu vực oi nóng như Hà Nội. Mùa hè, cây tốn nhiều công chăm sóc và tốn nhiều nước. Cây phong tốt nhất là trồng ở Sa Pa hay Đà Lạt. Hà Nội đang trồng nhiều cây xanh trên các tuyến phố song mật độ khá dày và nhiều cây trồng dưới các tán cây khác chưa hợp lý, tạo cảm giác lãng phí. Thành phố cần nghiên cứu trồng từng loại cây trên mỗi phố như quanh Hồ Gươm trồng hoa ban hay các loại cây bản địa thì hợp lý.