Đầu vào chưa chặt
Ngày 3.8, ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, cho biết đang chuẩn bị trình UBND tỉnh Tiền Giang về bộ tiêu chí mới có bổ sung về điều kiện hoạt động “3 tại chỗ” của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
|
Theo ông Trường, sau khi các ổ dịch lớn trong doanh nghiệp “3 tại chỗ” bùng phát, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với các sở, ngành chức năng và chính quyền các địa phương xác định được nguyên nhân là do trước đây đầu vào (cả về con người và quá trình hoạt động) kiểm soát chưa chặt nên tại một số doanh nghiệp, virus Covid-19 xâm nhập vào từ bên ngoài. Trong đó, một số người lao động trong thời gian ủ bệnh nhưng đã không được phát hiện kịp thời trong khâu sàng lọc.
Cụ thể hơn, theo ông Trường, trong thời gian hoạt động “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp đã để diễn ra viêc tiếp xúc giữa người bên trong và bên ngoài doanh nghiệp như giao - nhận hàng mua online; Người lao động đã ủ bệnh 2 ngày nhưng kết quả test nhanh không phát hiện được, trong khi thời gian xét nghiệp lại đến 7 ngày sau nên virus đã lây lan trong doanh nghiệp,…
Siết đầu vào, siết tiếp xúc
“2 tiêu chí bổ sung là tầm soát xét nghiệm đầu vào đối với người lao động và triệt để việc qua lại giữa bên trong với bên ngoài doanh nghiệp. Đó là 2 tiêu chí cao nhất và quan trọng nhất trước khi doanh nghiệp hoàn thành các điều kiện khác trong bộ tiêu chí “3 tại chỗ” mới. Doanh nghiệp có thiện chí hoạt động và tổ chức nghiêm túc sẽ được chúng tôi có hướng dẫn đầy đủ và thẩm định kịp thời để tạo điều kiện cho hoạt động trong lúc địa phương giãn cách xã hội phòng, chống Covid-19.”, ông Nguyễn Nhật Trường cho hay.
Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang, Ban quản lý khu công nghiệp và UBND các huyện đang phối hợp với ngành y tế xét nghiệp mẫu gộp bằng phương pháp Realtime RT-PCR cho toàn bộ người lao động tại các doanh nghiệp “3 tại chỗ” trong các khu – cụm công nghiệp. Một số lượng đã đông người lao động có hộ khẩu trong tỉnh Tiền Giang đã âm tính và được cấp giấy phép để được về nhà. Trong khi đó, đa số người lao động ngoài tỉnh vẫn xin được ở lại chỗ làm để “né” dịch vì việc di chuyển về tỉnh lúc này là không dễ dàng. Tuy vậy, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã có công văn gửi UBND nhiều tỉnh, thành để yêu cầu tạo điều kiện cho các công nhân về từ các khu, cụm công nghiệp ở tỉnh Tiền Giang.
Riêng 2 doanh nghiệp (Công ty chế biến thủy sản Gò Đàng, KCN Mỹ Tho và Công ty thép Quảng Thượng, KCN Long Giang) đã vi phạm “3 tại chỗ” dẫn đến bùng phát 2 ổ dịch Covid-19 lớn đang được ngành chức năng xử lý theo quy định.
Trước đó, do một số doanh nghiệp trong các khu – cụm công nghiệp vi phạm quy định về hoạt động “3 tại chỗ” dẫn đến bùng phát nhiều ổ dịch lớn nên ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ký, ban hành Công văn số 4093/UBND-KT về việc tạm dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động theo phương án "3 tại chỗ". Thời gian để các doanh nghiệp “3 tại chỗ” chuẩn bị để dừng hoạt động là đến hết ngày 5.8.
Tuy nhiên, sau khi UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Công văn 4093/UBND-KT thì một số doanh nghiệp trong nhóm được điều chỉnh đã gửi nhiều công văn đến một số cơ quan T.Ư, Chính phủ nhờ can thiệp.