Nhật thực toàn phần là hiện tượng Mặt trăng che khuất hoàn toàn Mặt trời tại điểm nhìn từ Trái đất.
Vào ngày 8/4 tới đây, hiện tượng nhật thực toàn phần hiếm gặp dự kiến sẽ xảy ra ở một số vùng ở khu vực Bắc Mỹ. Được biết, đây là lần đầu tiên sau 45 năm hiện tượng tự nhiên xảy này xảy ra ở khu vực này nên nó nhận được sự quan tâm của không ít người.
Thời điểm nhật thực xảy ra sẽ vào khoảng 15h15, khi đó, mặt trăng sẽ đi qua giữa mặt trời và trái đất, tạm thời che khuất mặt trời và khiến bầu trời chuyển tối khoảng 1 phút rưỡi đến 3 phút rưỡi.
Theo trang Space.com, hàng triệu người ở miền bắc Mexico, Mỹ và đông nam Canada sẽ có cơ hội quan sát nhật thực toàn phần với bóng tối bao trùm bầu trời ban ngày vào ngày 8/4 tới.
Vì sao nhật thực toàn phần ngày 8/4 được coi là hiếm “trăm năm có một”? |
Dưới đây là một số lý do vì sao nhật thực toàn phần năm 2024 là nhật thực tuyệt nhất trong hàng trăm năm qua và trong nhiều năm tới.
Là nhật thực toàn phần dài nhất ở Mỹ kể từ năm 1806
Thời gian có thể quan sát nhật thực toàn phần tại Mexico là 4 phút 28 giây. Tại biên giới Mexico - Mỹ, thời gian quan sát có thể là 4 phút 26 giây.
Lần cuối cùng nhật thực toàn phần dài như vậy xảy ra ở Bắc Mỹ là ngày 16/6/1806, kéo dài tới 4 phút 55 giây.
Xảy ra vào lúc cực đại Mặt trời
Bất kỳ ai từng nhìn thấy vành nhật hoa của Mặt trời bằng mắt thường trong suốt thời gian nhật thực toàn phần xảy ra cũng đều biết đây là cảnh tượng cực kỳ ngoạn mục. Trong thời gian cực đại Mặt trời - hoạt động của Mặt trời đạt đỉnh, vành nhật hoa sẽ lớn hơn, sáng hơn và trông như một bông hướng dương.
Lần cuối cùng nhật thực toàn phần có thể quan sát được ở Bắc Mỹ trùng với cực đại Mặt trời là ngày 26/2/1979, khi nhật thực toàn phần kéo dài 2 phút 49 giây.
Có thể nhìn thấy sao chổi
Sao chổi 12P/Pons-Brooks có thể được nhìn thấy khi nhật thực toàn phần xảy ra ngày 8/4 tới. Khi đó sao chổi này sẽ nằm ở vị trí tương đối gần sao Mộc.
Lần gần nhất người ta quan sát được một sao chổi khi nhật thực toàn phần xảy ra là vào ngày 14/12/2020 tại Chile và Argentina.
Nhật thực toàn phần tối nhất ở Mỹ trong vòng 217 năm
Nhật thực toàn phần càng lâu cũng đồng nghĩa với việc càng tối. Độ tối phụ thuộc vào độ lớn của nhật thực - phần đường kính của Mặt trời bị Mặt trăng che khuất, ảnh hưởng đến độ rộng của đường đi của nhật thực toàn phần.
Năm 2017, độ tối là 1,03 và đường đi của nhật thực toàn phần rộng khoảng 113km. Bầu trời khi đó tối đến mức có thể trông thấy sao Kim. Vào ngày 8/4 tới, độ tối là 1,05 và đường đi sẽ rộng khoảng 185km, làm lộ ra sao Mộc cũng như sao Kim.
Được nhiều người nhìn thấy nhất ở Bắc Mỹ
Khoảng 31 triệu người sống tại các khu vực của 15 bang tại Mỹ nằm bên trong đường đi của nhật thực toàn phần năm nay, theo trang GreatAmericanEclipse.com.
Thêm miền bắc Mexico và Canada, con số này là khoảng 40 triệu người so với khoảng 12 triệu người trong hiện tượng nhật thực toàn phần năm 2017.
Nhật thực toàn phần được nhiều người dân thành thị chứng kiến nhất
Khoảng 1/4 số người có thể quan sát nhật thực toàn phần vào ngày 8/4 tới là dân thành thị, khoảng 10 triệu người.
Các thành phố lớn nằm trên đường đi của nhật thực toàn phần lần này là Mazatlan và Torreon của Mexico, vùng Dallas-Fort Worth-Arlington, thành phố Austin và một phần thành phố San Antonio của bang Texas và các thành phố Little Rock, Indianapolis, Cleveland, Buffalo, Rochester của Mỹ và Hamilton, Niagara, St. Catharines, Kingston và Montreal ở Canada.
Còn nhiều lý do khác khiến nhật thực toàn phần năm 2024 được săn đón, như đây sẽ là nhật thực toàn phần cuối cùng ở Bắc Mỹ cho đến lần kế tiếp tại bang Alaska (Mỹ) vào ngày 30/3/2033...