<div> <p>Việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money) đang được kỳ vọng sẽ là dư địa mới để các nhà mạng tăng trưởng doanh thu trong bối cảnh thị trường viễn thông ngày càng bão hòa.</p> <h3>Viễn thông ngày càng khó kiếm tiền</h3> <p>Trong 5 năm trở lại đây, ngành viễn thông thế giới chỉ tăng trưởng trung bình khoảng 3%/năm. Mức doanh thu trung bình người dùng (ARPU) của viễn thông Việt Nam cũng liên tục trong nhóm thấp nhất châu Á trong 10 năm trở lại đây và liên tục giảm do cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà mạng.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Vi sao nha mang mong cho Mobile Money? hinh anh 1 sslide6.JPG" src="https://khds.1cdn.vn/2020/05/11/znews-photo-zadn-vn_sslide6.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Trong khi thị trường viễn thông đang có dấu hiệu bão hòa, Mobile Money ra đời mở ra dư địa hoàn toàn mới cho các nhà mạng tăng thêm doanh thu, bước chân vào thị trường tài chính. Ảnh: <em>Ngô Minh.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Báo cáo mới nhất của <em>Business Monitor International</em> không thống kê cụ thể ARPU của viễn thông Việt Nam trong quý I/2020. Tuy nhiên, báo cáo khẳng định cạnh tranh giữa các nhà mạng và sự thống trị của hình thức thuê bao trả trước sẽ tiếp tục kéo ARPU của viễn thông Việt Nam xuống mức thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương.</p> <p>Doanh thu viễn thông truyền thống (thoại, sms) tại Việt Nam cũng đang liên tục đi xuống. Theo số liệu từ Cục Viễn thông, t<span>ừ mức chiếm 41% vào năm 2014, doanh thu thoại và SMS chỉ còn chiếm 28,5% vào năm 2019, phần còn lại thuộc về Internet cố định, data di động, điện toán đám mây và các dịch vụ khác.</span></p> <p>Trong khi doanh thu truyền thống sụt giảm, doanh thu từ data của các nhà mạng cũng đang tăng trưởng dưới kỳ vọng do cạnh tranh hạ giá thành. <span>Tính riêng trong cơ cấu doanh thu dịch vụ di động tại thị trường Việt Nam, dịch vụ thoại và tin nhắn chiếm 76,6%, còn doanh thu từ data chỉ đạt 23,4%, thấp hơn mức trung bình thế giới, hiện là hơn 43%.</span></p> <p>Theo thống kê từ <em>Cable.co.uk</em> dựa trên giá cước 1 GB data tại 230 quốc gia và vùng lãnh thổ cuối năm 2018, giá cước 4G tại Việt Nam rẻ thứ 20 trên thế giới, ở mức <abbr class="rate-usd">1,31 USD</abbr>/GB dữ liệu. Điều này khiến tham vọng gia tăng doanh thu từ data của nhà mạng gặp khó dù 4G tại Việt Nam đang ở giai đoạn cực thịnh.</p> <p>Khó tăng thu ở cả viễn thông truyền thống và kinh doanh data, các nhà mạng đang liên tục tìm kiếm dư địa mới để phát triển. Không ngẫu nhiên khi vào năm 2019, cả 3 nhà mạng lớn của Việt Nam là Viettel, VinaPhone và MobiFone đều đăng ký thêm một ngành nghề kinh doanh, đó là "trung gian thanh toán".</p> <h3>Nhà mạng muốn làm một phần việc của ngân hàng</h3> <p>Đây là động thái nhằm giúp 3 doanh nghiệp viễn thông dọn đường cho việc cung cấp dịch vụ Mobile Money khi được cấp phép cũng như mở ra dư địa mới cho các nhà mạng, đó là làm thay một phần việc của ngân hàng.</p> <p><span>Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính tới cuối năm 2019, số người trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng tại Việt Nam đã đạt đến 43 triệu, tương đương 63% người ở độ tuổi trưởng thành. Chỉ trong giai đoạn 2015-2019, số người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đã tăng gấp đôi.</span></p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Vi sao nha mang mong cho Mobile Money? hinh anh 2 Inked751e0c56f5840fda5695_LI.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2020/05/11/znews-photo-zadn-vn_inked751e0c56f5840fda5695_li.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Với 130 triệu thuê bao di động, Mobile Money có thể giúp các nhà mạng thu về hàng nghìn tỷ mỗi năm. Ảnh: <em>Ngô Minh.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định ngành ngân hàng sẽ gặp khó trong việc tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng còn lại do số này phân bổ chủ yếu ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi các dịch vụ tài chính chưa thể vươn tới. Hiện Việt Nam có độ phủ viễn thông di động vào nhóm cao nhất thế giới khi số thuê bao gấp 1,3 lần dân số.</p> <p>Thách thức với ngành ngân hàng lại đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp viễn thông với việc thí điểm Mobile Money. Nếu dịch vụ này được các nhà mạng cung ứng, 130 triệu thuê bao di động sẽ có khả năng thanh toán và tiếp cận các dịch vụ tài chính như một tài khoản ngân hàng.</p> <p>Theo ước tính, Mobile Money được coi là cơ hội mang lại cho các nhà mạng doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm. Doanh thu này vừa là dư địa mới, vừa bao gồm cả doanh thu thanh toán nhỏ của các ngân hàng.</p> <p>Theo lãnh đạo một công ty triển khai Mobile Money thuộc một nhà mạng, chính ngân hàng cũng sẽ hưởng lợi từ việc nhà mạng làm trung gian thanh toán.</p> <p>"Hiện nay không có một ngân hàng nào ở Việt Nam phục vụ những khoản thanh toán nhỏ lẻ, chi tiêu siêu nhỏ hàng ngày. Với năng lực về công nghệ, hạ tầng, con người, các nhà mạng sẽ đào tạo người dân quen với thanh toán điện tử, quen với món chi tiêu vài chục nghìn, vài trăm nghìn đồng hàng ngày và khi họ cần chi tiêu những món lớn hơn như mua điện thoại, TV, mua nhà mua xe, họ sẽ nghĩ đến ngân hàng", vị này khẳng định.</p> <p>"Nếu được cấp phép dịch vụ Mobile Money thì chỉ 'qua 1 đêm' tất cả người dân sử dụng dịch vụ di động đều có thể tham gia thanh toán không dùng tiền mặt", vị này nói thêm.</p> <p>Trước đó <span>tại hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp ngày 9/5, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình Thủ tướng quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money).</span></p> <p>Song song đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.</p> </div> <p> </p>