<div> <p>Khi nghe thông tin xây dựng Đập Rào Nan ở thượng nguồn sông Gianh, người dân thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình bày tỏ lo ngại về việc vỡ đập, gây ra lũ ống, lũ quét. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức đối thoại, thông tin thêm về dự án đập quan trọng này. Cơ quan chức năng tái khẳng định, công trình dâng đảm bảo an toàn và không cần phải di dời dân.</p> <div> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="vi sao nguoi dan thi xa ba don, quang binh phan doi du an dap dang 350 ty? hinh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2019/04/02/dap_dang_1_vov_rsys(1).jpg" title="vì sao người dân thị xã ba đồn, quảng bình phản đối dự án đập dâng 350 tỷ? hình 1" /></td> </tr> <tr> <td style="text-align: center;"><em><span> Đập Rào Nan cũ xây vào những năm 60 không đủ năng lực tưới tiêu cho vùng đồng bằng.</span></em></td> </tr> </tbody> </table> </div> <div>Tại buổi đối thoại với người dân, ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, thường các đập thủy lợi hoặc thủy điện phải tích nước để phục vụ sản xuất và phát điện. Khi có lũ lớn bất ngờ đổ về, các công trình này buộc phải điều tiết bằng cách xả lũ với lưu lượng lớn nhằm đảm bảo an toàn công trình. Đây cũng là nguyên nhân gây ngập lụt vùng hạ du.</div> <p>Trong khi đó, đập Rào Nan được thiết kế theo kiểu đập dâng, tức là khi nước sông dâng lên thì có thể tràn qua. Trước mùa lũ, toàn bộ hệ thống 15 cửa van được đơn vị quản lý vận hành nâng lên, trả lại khả năng thoát lũ của dòng sông. Vì vậy, bản chất công trình đập dâng không gây thêm ngập lụt hạ du mà còn góp phần giảm lũ nhờ dung tích phòng lũ trong lòng hồ.</p> <p>“Để nghiên cứu các vấn đề, từ khảo sát, thiết kế cũng như phản biện lại dự án này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập hợp những đơn vị thiết kế đầu ngành, đơn vị phản biện đầu ngành. Các chuyên gia thẩm định, phản biện cho dự án này đều nằm trong Hội đồng nghiệm thu và Hội đồng phản biện của Nhà nước”- ông Nguyễn Hải Thanh nói.</p> <div> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="vi sao nguoi dan thi xa ba don, quang binh phan doi du an dap dang 350 ty? hinh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2019/04/02/dap_dang_2_vov_yzqj.png" title="vì sao người dân thị xã ba đồn, quảng bình phản đối dự án đập dâng 350 tỷ? hình 2" /></td> </tr> <tr> <td style="text-align: center;"><em><span>Phối cảnh đập dâng Rào Nan mới.</span></em></td> </tr> </tbody> </table> </div> <div> <div> <div> <div> </div> </div> </div> </div> <div>Người dân thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn đề nghị cơ quan chức năng xây dựng con đập lên phía thượng nguồn 5km. Bà con lo ngại, khoảng cách gần khu dân cư thì lũ đổ về nhanh, trở tay không kịp. Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, đập Rào Nan dự kiến xây sát con đập cũ, cách khu dân cư 450m. Theo khảo sát, dưới nền đất có các khối đá lớn vững chắc.</div> <p>Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp khảo sát đến 3 lần rồi cùng bàn bạc và chọn xây dựng tại vị trí này. Theo ông Phan Văn Khoa, các vị trí khác nền đất rất yếu, không đảm bảo được kết cấu công trình.</p> <div> <div> <div> <div> </div> </div> </div> </div> <p>“Để lựa chọn vị trí, địa điểm được thực hiện rất kỹ, trên cơ sở thiết kế một công trình hiện đại, kiên cố. Người dân đề xuất di dời đập lên 5km, thực tế chúng tôi đã khảo sát ở các vị trí khác nhau. Theo các chuyên gia về địa chất, tại những vị trí ấy có nền đất sét và đất bùn rất không ổn định”- ông Phạm Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết.</p> <p>Được biết, đập Rào Nan cũ xây dựng vào những năm 60 của thế kỷ trước. Qua nhiều năm sử dụng, con đập xuống cấp, hư hỏng ở nhiều vị trí, gây xói mòn và mất nước nhanh. Hiện nay, đập không thể cấp đủ nước trong mùa khô hạn. Dự án đập Rào Nan mới được đầu tư 350 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Dự kiến sau khi xây dựng, con đập sẽ cung cấp nước tưới tiêu cho 1.800 ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của 22 xã vùng hạ lưu sông Gianh, thuộc huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn ở tỉnh Quảng Bình./. </p> <div> <div> <div><noscript><a href="http://ads.giaminhmedia.vn/www/delivery/ck.php?n=a1987e93&cb=INSERT_RANDOM_NUMBER_HERE" target="_blank"><img alt="" src="https://khds.1cdn.vn/2019/04/02/avw.php" /></a></noscript></div> </div> </div> </div> <p> </p>