Vì sao Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết vào "tầm ngắm" điều tra?

Theo thông tin ban đầu Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết bị công dân tố cáo liên quan đến nội dung giao đất giá rẻ, không thông qua hình thức đấu giá.
khuphanthiet.jpg
Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết bị công dân tố cáo liên quan đến công tác giao đất, đấu giá đất.

Sáng 11/3, đoàn công tác của Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phối hợp các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đo đạc, khảo sát dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.

Thông tin từ hiện trường khu đô thị này sẽ làm cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều tra liên quan đến các sai phạm trong việc giao đất giá rẻ, không thông qua hình thức đấu giá mà công dân đang tố cáo.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ làm rõ những nội dung khác, như có hay không "lợi ích nhóm" giữa Tập đoàn Rạng Đông và một số cán bộ lãnh đạo tỉnh Bình Thuận mà trong đơn của công dân gửi tới Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nêu.

Được biết năm 2015 UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định số 909/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 dự án khu đô thị du lịch biển TP Phan Thiết, phường Phú Thủy.

Sau đó 4 ngày UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, với diện tích 620.655,6m2. Trong đó, diện tích tính tiền sử dụng đất là 363.523,6m2 với mục đích đất ở đô thị. Riêng phần diện tích còn lại không thu tiền sử dụng đất (đất công cộng).

Dự án trên trước khi phê duyệt là đất sân golf Phan Thiết được Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và đầu tư) cấp giấy phép đầu tư ngày 27/7/1993.

Dự án sân golf Phan Thiết được đầu tư từ 100% vốn nước ngoài, thời gian hoạt động là 50 năm.

Quá trình hoạt động kinh doanh, sân golf Phan Thiết nhiều lần chuyển nhượng vốn, chủ đầu tư. Chủ đầu tư cuối cùng của sân golf này được UBND Bình Thuận cho chuyển nhượng vốn (15/11/2013) là Công ty cổ phần Rạng Đông.

Ngày 2/12/2013 (sau hơn 2 tuần nhận chuyển nhượng sân golf), Công ty Rạng Đông có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển đổi sang đất ở đô thị. Mục đích của việc chuyển đổi này là "đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng và các công trình phụ trợ".

Tháng 6/2015, tỉnh Bình Thuận có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất toàn bộ 62ha. Trong đó, hơn 36ha là đất đô thị Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, còn lại là đất công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh.

Tuy nhiên, dự án vấp phải phản ứng quyết liệt của một số cán bộ hưu trí, trong đó có những cán bộ cấp cao của tỉnh Bình Thuận trước đây.

Theo Đời sống
back to top