Vì sao không nên sạc điện thoại trên ô tô?

Ít ai biết được rằng, sạc điện thoại không đúng cách trên ô tô có thể khiến bản thân gặp nguy hiểm.

Khi lái xe trên đường, không ít trường hợp điện thoại di động của người lái hoặc người ngồi trên xe gặp phải tình trạng cạn pin hay thậm chí tắt nguồn. Điều này gây gián đoạn liên lạc và nhiều phiền toái khác, ảnh hưởng đến công việc. Đây cũng là lý do các hãng ô tô trang bị hệ thống cổng sạc điện thoại ngay trên xe, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Mặc dù vậy, đây chỉ được xem là giải pháp "chữa cháy". Bởi việc sạc điện thoại trên ô tô dù rất tiện lợi nhưng thực tế lại tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Nguyên nhân là bởi nguồn điện trên ô tô là nguồn điện từ lấy từ ắc quy. Do đó, nguồn điện này không ổn định và còn là dòng điện một chiều; dễ dẫn đến hiện tượng đoản mạch, nguy cơ cao gây cháy nổ.

Ngoài ra, thời gian để sạc thiết bị đầy pin kéo dài hơn so với khi chúng ta sạc ở nhà. Chẳng hạn, ở nhà thời gian sạc đầy pin là 1 giờ, thì khi dùng bộ sạc nối thiết bị với ổ cắm, thời gian sẽ khoảng 1 giờ 30 phút. Từ đó có thể dẫn đến pin bị chai. Ảnh hưởng đến tuổi thọ của pin điện thoại.

Vì vậy, tốt nhất nên mua cho mình bộ sạc riêng chuyên dùng trên ô tô. Đây cũng là điều mà các chuyên gia khuyên tài xế nên áp dụng. Bởi vì nó có khả năng chuyển dòng điện một chiều thành dòng điện xoay chiều 220V phù hợp với mọi thiết bị và cũng hạn chế nguy cơ gây ra các vụ cháy.

Việc sạc điện thoại trên ô tô tuy tiện lợi, thoải mái nhưng khá nguy hiểm. Do đó, nếu buộc phải sạc, bạn cần lưu ý một số nguyên tắc.

Dùng loại tẩu sạc chất lượng: Đây là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo an toàn. Hiện nay thị trường có rất nhiều nguồn cung cấp tẩu sạc điện thoại trên ô tô với nhiều mẫu mã và thương hiệu. Hãy lựa chọn các đơn vị bán hàng uy tín, mua hàng chính hãng, xuất xứ rõ ràng.

Chọn tẩu sạc tương thích với điện thoại: Ngoài chất lượng, bạn cũng cần lưu ý đến sự tương thích của tẩu sạc với điện thoại. Cổng cắm của tẩu sạc điện thoại trên ô tô phải phù hợp với cổng cắm của thiết bị.

Nguồn điện phải phù hợp với đầu sạc: Khi sạc điện thoại trên ô tô, bạn cần chọn nguồn điện phù hợp với điện thoại đang dùng. Điều này sẽ giúp tiết kiệm kha khá thời gian sạc. Có nhiều dòng sạc mà chủ xe có thể lựa chọn như 1A, 1.5A, 2A...

Hạn chế dùng điện thoại khi sạc pin: Việc đồng thời sạc pin và dùng điện thoại sẽ khiến nhiệt độ pin tăng cao, dễ dẫn đến cháy nổ. Ngoài ra, thói quen này khiến pin điện thoại bị hao mòn, nhanh chai và hỏng.

Không dùng cổng sạc cho nhiều thiết bị một lúc: Mặc dù nhiều phụ kiện tẩu sạc được trang bị tính năng sạc nhiều thiết bị cùng lúc nhưng bạn nên hạn chế cách sạc này. Việc sạc đồng thời nhiều thiết bị sẽ đẩy nguồn điện tiêu thụ lên mức cao, dễ gây cháy nổ.

Để chế độ tiết kiệm pin trên điện thoại khi sạc: Cách làm này sẽ giúp rút ngắn thời gian sạc điện thoại trên ô tô. Chế độ tiết kiệm pin sẽ giúp điện thoại tắt các ứng dụng chạy ngầm và giải phóng dung lượng, giảm mức tiêu thụ điện năng của điện thoại.

Rút điện thoại ra khỏi tẩu sạc khi đã đầy pin: Hầu hết các dòng điện thoại đời mới đều sử dụng pin Lithium Ion. Loại pin này bao gồm hai lớp là lớp Liti coban oxit và lớp than chì. Khi sử dụng, các ion Liti sẽ chuyển từ lớp than chì sang lớp Liti coban oxit, quá trình này sẽ diễn ra ngược lại khi sạc pin điện thoại. Việc sạc pin quá đầy sẽ khiến cho các ion Liti này thoát ra nhiều hơn, gây hao mòn và giảm tuổi thọ pin.

Theo Đời sống
back to top