Hội chứng ruột kích thích là tình trạng rối loạn chức năng đường tiêu hóa mãn tính, dễ tái phát. Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng: viêm đường ruột vì ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, rối loạn nhu động ruột, dùng nhiều kháng sinh đường ruột gây loạn khuẩn, rối loạn tâm thần, uống nhiều rượu bia,...
Triệu chứng điển hình của hội chứng ruột kích thích là rối loạn tiêu hóa trong thời gian dài và đau bụng. Người bệnh thường gặp phải một số vấn đề như chướng bụng, tiêu chảy, táo bón, tần suất đi ngoài nhiều hơn người bình thường, trong phân có thể có lẫn máu,...
Bên cạnh đó, bệnh nhân thường bị đau đại tràng, vùng đau bụng là hai bên mạn sườn, đau nhiều sau khi ăn no, sau khi ăn đồ cay nóng, đồ lạnh, rau sống, tiết canh,... hoặc khi căng thẳng thần kinh. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị mệt mỏi, đau đầu, khó ngủ, lo lắng,...
Theo các bác sĩ, hội chứng ruột kích thích thường tái đi tái lại nhiều lần và khó điều trị dứt điểm. Có nhiều nguyên nhân giải thích cho thực trạng này. Đó là:
Hội chứng ruột kích thích dễ tái đi tái lại - Ảnh minh họa |
Biểu hiện bệnh đa dạng, khó chẩn đoán chính xác
Khi mắc hội chứng đại tràng kích thích, người bệnh có triệu chứng nổi bật tại hệ tiêu hóa cùng nhiều cơ quan khác.
- Các triệu chứng về tiêu hóa: bệnh nhân thường bị đau bụng vùng hạ vị và hố chậu trái, đôi khi có thể bị đau bên phải hoặc thượng vị, đau dọc theo khung đại tràng. Đau bụng thường liên quan đến đại tiện: Thay đổi số lần đại tiện, hình thái phân.
Đôi khi cơn đau không rõ vị trí gây khó xác định nguyên nhân thực sự. Bên cạnh đó, người bệnh còn có triệu chứng chướng bụng, tiêu chảy, táo bón hoặc tiêu chảy xen lẫn với táo bón theo từng đợt. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể có biểu hiện nóng ở vùng thượng vị, buồn nôn, ăn nhanh no,...
- Các triệu chứng ở cơ quan khác: bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích còn có thể có những biểu hiện như đau đầu, mất ngủ, trầm cảm, mệt mỏi, rối loạn vị giác, rối loạn kinh nguyệt ở nữ, liệt dương ở nam, tiểu nhiều lần trong ngày, đau khi sinh hoạt tình dục, tiểu đêm, hồi hộp, đau ngực, nóng mặt, chóng mặt,..
Triệu chứng hội chứng ruột kích thích rất khác nhau giữa các bệnh nhân hay thậm chí trên một người bệnh cũng có triệu chứng không cố định ở từng thời điểm cụ thể. Bên cạnh đó, các phương pháp chẩn đoán như siêu âm bụng, chụp X-quang đại tràng, soi toàn bộ đại tràng, xét nghiệm phân,... đều không thấy có dấu hiệu bất thường.
Vì vậy, việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào việc loại trừ các bệnh gây tổn thương thực sự ở hệ thống tiêu hóa . Cũng vì không chẩn đoán chính xác vấn đề mà người bệnh gặp phải nên sẽ không có phương án điều trị cụ thể được đưa ra. Đây là một nguyên nhân giải thích vì sao hội chứng ruột kích thích khó điều trị dứt điểm
Khó kiểm soát nguyên nhân gây bệnh
Các bác sĩ đề cập tới một số yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn tới hội chứng ruột kích thích như:
- Yếu tố tâm lý: người bị lo âu, căng thẳng, mất ngủ kéo dài,... dễ mắc bệnh đại tràng co thắt.
- Thực phẩm tiêu thụ: một số người mắc hội chứng ruột kích thích vì thói quen ăn đồ sống, đồ tanh, sữa, đồ chua cay, sử dụng rượu bia hoặc chế độ ăn nhiều gia vị, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ.
- Giới tính: phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng đại tràng kích thích cao gấp 2 – 3 lần nam giới. Nguyên nhân do đặc thù về nội tiết tố và cấu tạo giải phẫu đại tràng của phụ nữ.
Những nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích trên đây đều là vấn đề khó kiểm soát triệt để. Cụ thể, về vấn đề tâm lý, người sống trong xã hội hiện đại sẽ khó tránh có những thời điểm bị mệt mỏi, stress vì công việc, gia đình.
Về vấn đề ăn uống, nếu kiêng khem quá mức để điều trị hội chứng ruột kích thích thì người bệnh có thể bị thiếu dinh dưỡng, suy yếu sức khỏe hoặc stress vì không được ăn các món hợp khẩu vị. Về vấn đề giới tính, phụ nữ buộc phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới. Đó là lý do giải thích vì sao khó điều trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích.
Người bệnh chủ quan trong việc điều trị
Từ những nguyên nhân trên, có thể thấy, hội chứng đại tràng kích thích có thể xảy ra với bất kỳ ai. Tuy nhiên, người bệnh thường chủ quan với các vấn đề rối loạn tiêu hóa, không coi đây là bệnh lý nghiêm trọng nên chỉ áp dụng các phương pháp điều trị tức thời để giảm nhẹ triệu chứng khi có dấu hiệu đau bụng, đi ngoài, táo bón,...
Hội chứng ruột kích thích và cách chữa này chỉ chữa được phần ngọn, không loại trừ tận gốc của bệnh nên các triệu chứng sẽ tiếp tục tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi. Đây cũng là một lý do khiến hội chứng đại tràng kích thích khó điều trị dứt điểm.
Hội chứng ruột kích thích ăn gì tốt nhất?
Người mắc hội chứng ruột kích thích cần tuân thủ một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh.
- Chọn thực phẩm sạch, an toàn, không chứa hóa chất và chất bảo quản.
- Tăng cường bổ sung các món ăn chứa nhiều chất xơ như rau xanh, củ quả, trái cây (đặc biệt hoa quả giàu kali như chuối, đu đủ,...) và bột bắp, cám gạo vào chế độ ăn. Chất xơ có thể cải thiện triệu chứng táo bón ở những người bị bệnh đại tràng co thắt. Chất xơ làm mềm phân, giúp phân di chuyển thuận lợi thông qua đại tràng. Người lớn nên tiêu thụ khoảng 21 - 38g chất xơ mỗi ngày. Tuy nhiên, chất xơ có thể tạo khí, gây đầy bụng nên người bệnh nên tăng lượng chất xơ từ từ, chỉ cần thêm 2 - 3g mỗi ngày.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, ăn ít chất béo và nhiều carbohydrate, ví dụ mì ống, gạo, bánh mì ngũ cốc nguyên cám,...
Nên ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, khoảng hơn 2 tiếng nên ăn một bữa vì ăn nhiều thực phẩm trong một bữa có thể gây đau quặn bụng và tiêu chảy.
- Khi ăn phải ăn chậm, nhai kỹ để hạn chế nuốt khí vào, làm giảm đầy bụng, chướng hơi, giảm sự căng giãn đột ngột ống tiêu hóa. Nhờ đó, việc này giúp hạn chế kích kích co bóp của ruột, giảm số lần đi ngoài và giảm đau hiệu quả.
Thực phẩm nên kiêng
- Thực phẩm sống như rau sống, tiết canh, gỏi cá.
- Dưa cà muối, gia vị chua cay.
- Trái cây khô, trái cây đóng hộp vì chúng có hàm lượng đường cao, dễ gây táo bón, tiêu chảy và đầy hơi ở người mắc hội chứng ruột kích thích.
- Thức ăn có hàm lượng dầu mỡ quá cao như các món rán, xào. Những thực phẩm giàu chất béo động vật có thể khiến ruột co thắt nhiều hơn, gây đau và khó chịu vùng bụng. Nên thay mỡ động vật bằng chất béo không bão hòa có nguồn gốc thực vật. Người bệnh nên tránh các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích, pate hay bánh quy, mayonnaise, phomai,...
- Thực phẩm dễ sinh hơi như đậu, bắp cải, cải xanh, hành.
- Chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê.
- Các chế phẩm từ sữa vì trong sữa có đường lactose rất khó tiêu hóa, gây tiêu chảy, đau quặn bụng hoặc táo bón.
- Hoa quả chua vì chúng có nhiều axit, không tốt cho đường tiêu hóa.
- Không ăn quá no vào buổi tối, không ăn thực phẩm có quá nhiều chất dinh dưỡng vì sẽ khiến hệ tiêu hóa hoạt động quá tải, gây đau bụng và tiêu chảy.
- Khi bị tiêu chảy người mắc hội chứng ruột kích thích nên tránh hoàn toàn chất xơ không tan như cellulose để không làm cọ xát thành ruột.
- Thức ăn mà người bệnh bị dị ứng.
Điều chỉnh chế độ sinh hoạt khi mắc hội chứng ruột kích thích
Ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn, người mắc hội chứng ruột kích thích mãn tính nên thay đổi thói quen không tốt trong sinh hoạt để giảm tác hại của bệnh. Một số lưu ý quan trọng là:
- Tránh làm việc quá sức, lo âu, mất ngủ, căng thẳng thần kinh kéo dài.
- Luôn vui vẻ, thoải mái, sống lành mạnh, không cần quá lo lắng về bệnh lý của mình.
- Nên thực hiện các phương pháp giảm stress như tập thể dục, ngồi thiền, tập yoga hoặc lựa chọn các hình thức tập luyện phù hợp, dễ thực hiện.
- Giữ thói quen sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ đúng giờ. Người bệnh nên lấy lòng bàn tay xoa nhẹ quanh vùng thượng vị - rốn theo chiều kim đồng hồ vài lần mỗi ngày để kích thích nhu động ruột.
- Luyện tập đi ngoài ngày một lần vào buổi sáng hoặc vào một thời điểm thích hợp, nên xoa bụng trước khi đi ngoài.
- Ngoài việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, khách hàng nên đi khám định kỳ 6 tháng/lần hoặc khi có dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích để điều trị dứt điểm ngay từ đầu, không để bệnh tiến triển thành mạn tính.
ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn
(Giảng viên trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội)