Vì sao hoàng đế không bắt thái y tịnh thân như thái giám?
Tâm Anh (TH)
Mặc dù cùng làm việc trong hậu cung nhưng thái y không phải tịnh thân như thái giám. Vì sao hoàng đế Trung Quốc thời phong kiến lại đối xử "ưu ái" với thái y như vậy?
Ở Trung Quốc thời phong kiến, thái giám và thái y đều làm việc trong hậu cung nhưng có sự khác biệt lớn. Hoạn quan là người hầu hạ, chăm lo mọi sinh hoạt hàng ngày của hoàng đế và các phi tần trong hậu cung. Trước khi vào cung làm việc, họ phải trải qua quá trình tịnh thân đầy đau đớn. Theo đó, thái giám sẽ không còn là đàn ông thực thụ, không thể có con cái.
Trong khi đó, thái y làm việc trong hoàng cung nhưng không phải tịnh thân như thái giám. Không chỉ chăm lo sức khỏe cho bậc đế vương, ngự y ra vào hậu cung, thăm khám bệnh cho các phi tần.
Nhiều người tò mò vì sao hoàng đế lại tin tưởng thái y mà không lo họ sẽ dan díu với các phi tần, làm rối loạn huyết mạch hoàng gia. Trước câu hỏi này, các nhà nghiên cứu lịch sử đã tìm được lời giải.
Thái y là chức quan có địa vị khá cao trong triều đình. Hoàng đế rất coi trọng họ vì thái y chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho các thành viên hoàng tộc. An toàn tính mạng của nhà vua và hoàng tộc gắn liền với sự tồn vong, hưng thịnh của vương triều.
Không phải ai cũng có thể trở thành thái y. Để phụ trách công việc chăm lo sức khỏe cho hoàng đế và hoàng thất, họ phải có y thuật cao siêu và phẩm chất đạo đức.
Quan viên triều đình sẽ phải lựa chọn cẩn thận các ứng viên đủ tiêu chuẩn. Đặc biệt, họ phải điều tra xuất thân của từng người sẽ làm việc trong thái y viện. Do đó, những người này đều được xác định thân phận rõ ràng. Nếu họ phạm tội thì triều đình có thể dễ dàng truy bắt, trừng trị phạm nhân và gia quyến.
Thêm nữa, đa số thái y xuất thân trong gia đình có dòng dõi nhiều đời hành nghề y hoặc được những thái y dày dạn kinh nghiệm giới thiệu vào cung làm việc. Theo đó, họ là những người có địa vị cao trong xã hội.
Tiếp theo, thái y nhận được lương bổng khá tốt và công việc được mọi người đánh giá cao. Họ không dám có ý đồ bất chính với các phi tần trong hậu cung vì sẽ mất cả sự nghiệp lẫn tính mạng nếu bị nhà vua phát hiện bị "cắm sừng". Thậm chí, ngay cả gia tộc của họ cũng bị trừng phạt nghiêm khắc vì tội mà thái y đã gây ra.
Cuối cùng, thái y là người đức cao vọng trọng, biết rõ có được lòng tin của hoàng đế thì sự nghiệp sẽ thăng tiến, tiền độ rộng mở, có cuộc sống sung túc, bao gồm việc có thể nạp nhiều thê thiếp. Do đó, họ không dám liều lĩnh "cắm sừng" nhà vua để chuốc họa vào thân và khiến gia đình bị liên lụy.
Hoàng đế nắm được các "điểm yếu" của thái y nên không tịnh thân họ giống như thái giám vì biết rõ nhóm đối tượng này không "có gan" nảy sinh tình cảm với các phi tần.
Mời độc giả xem video: Bí quyết khiến Hoàng đế dù ăn sơn hào hải vị cũng không béo phì.