<div> <p><strong>Đặc cách để quản lý?</strong></p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Vì sao Hà Tĩnh đặc cách cho Trung tâm Võ Hoàng Yên? - 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/03/17/icdn-dantri-com-vn_anh-6-1615384996197.jpg" title="Vì sao Hà Tĩnh đặc cách cho Trung tâm Võ Hoàng Yên? - 1" /> <figcaption> <p>Trung tâm Phục hồi chức năng và Dưỡng sinh Võ Hoàng Yên bỏ hoang nhiều năm nay.</p> </figcaption> </figure> <p>Ngày 9/3, PV <em>Dân trí</em> đã đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh liên quan đến nội dung địa phương này đặc cách cho Trung tâm Phục hồi chức năng và Dưỡng sinh Võ Hoàng Yên (gọi tắt là Trung tâm Võ Hoàng Yên) hoạt động. Sau đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có chỉ đạo yêu cầu Sở Y tế Hà Tĩnh trả lời cụ thể.</p> <p>Ngày 16/3, Sở Y tế Hà Tĩnh đã có văn bản trả lời câu hỏi của PV báo<em> Dân trí</em>.</p> <p>Theo báo cáo của Sở Y tế, trước khi Trung tâm Võ Hoàng Yên được cấp phép, người dân trong và ngoài tỉnh mắc các bệnh tật mãn tính, bẩm sinh như bại liệt, câm điếc, thoái hóa cột sống… đăng ký về trung tâm để được day, ấn, bấm huyệt, bình quân mỗi ngày tiếp đón khoảng 100 đến 200 người.</p> <p>Để quản lý hoạt động và theo dõi, đánh giá hiệu quả của phương pháp này cũng như giảm bớt khó khăn cho người dân, Sở Y tế Hà Tĩnh đã cấp chứng chỉ cho phép ông Võ Hoàng Yên sử dụng phương pháp "ấn, day, bấm huyệt" và cấp phép hoạt động cho Trung tâm với phạm vi chuyên môn là "ấn, day, bấm huyệt".</p> <p>Tuy nhiên, Sở Y tế Hà Tĩnh cho rằng, theo quy định, Trung tâm không phải là loại hình khám chữa bệnh, phương pháp "day, ấn, bấm huyệt" không thuộc phạm vi phải cấp chứng chỉ hành nghề.</p> <p>Trước đó, trả lời báo chí ông Nguyễn Đình Dũng, Phó phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, do chỉ đạo của tỉnh nên Sở Y tế đã đặc cách cấp phép hoạt động cho trung tâm của ông Yên, tuy nhiên không đưa ra lý do được đặc cách.</p> <p>"Vì ông ấy chưa có bằng cấp nên chúng tôi không dùng từ lương y đối với ông Yên. Phía Sở Y tế Hà Tĩnh nhiều lần đôn đốc, yêu cầu bổ sung bằng cấp nên ông Yên đã vào miền Nam để đi học. Cũng bởi lý do đó, từ năm 2016, ông Yên đã dừng hoạt động và trả lại cơ sở cho tỉnh. Tháng 10/2016, Sở Y tế Hà Tĩnh đã thu hồi giấy phép hoạt động của Trung tâm này", ông Dũng nói.</p> <p><strong>Chưa đánh giá được hiệu quả!</strong></p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Vì sao Hà Tĩnh đặc cách cho Trung tâm Võ Hoàng Yên? - 2" src="https://khds.1cdn.vn/2021/03/17/icdn-dantri-com-vn_anh-2-1615379405060.jpg" title="Vì sao Hà Tĩnh đặc cách cho Trung tâm Võ Hoàng Yên? - 2" /> <figcaption> <p>Các phòng chức năng tại Trung tâm xuống cấp, nhếch nhác.</p> </figcaption> </figure> <p>Cũng theo Sở Y tế Hà Tĩnh, từ lúc cấp phép (cuối năm 2015) đến khi dừng hoạt động (đầu năm 2016) là 4 tháng, ông Võ Hoàng Yên day, ấn, bấm huyệt cho những người mắc bệnh mãn tính, có người mắc cả hàng chục năm cho nên chưa thể đánh giá được hiệu quả của phương pháp này.</p> <p>Sở Y tế Hà Tĩnh và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Tĩnh cũng đã liên hệ với các bệnh viện, các trung tâm nghiên cứu, các nhà khoa học để đánh giá về phương pháp này của ông Võ Hoàng Yên nhưng do trung tâm này dừng hoạt động nên không thể triển khai.</p> <p>Ông Nguyễn Đình Toản, Trưởng phòng chuyên môn, Hội Đông y Hà Tĩnh cho biết, dù trung tâm trực thuộc hội nhưng bộ máy hoạt động của trung tâm này đều do ông Võ Hoàng Yên tuyển chọn, và ông này giữ chức Giám đốc.</p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Vì sao Hà Tĩnh đặc cách cho Trung tâm Võ Hoàng Yên? - 3" src="https://khds.1cdn.vn/2021/03/17/icdn-dantri-com-vn_anh-1-1615379225099.jpg" title="Vì sao Hà Tĩnh đặc cách cho Trung tâm Võ Hoàng Yên? - 3" /> <figcaption> <p>Phòng làm việc của ông Võ Hoàng Yên tại Trung tâm.</p> </figcaption> </figure> <p>"Mỗi tháng ông Yên cùng khoảng 8 cộng sự về khám trong thời gian khoảng 10 ngày cuối tháng. Mỗi người vào đăng ký khám, chữa bệnh đều phải mua phiếu, mỗi phiếu giá 1 trăm ngàn đồng cho một lần khám, hoặc xoa, bóp, bấm huyệt", ông Toản cho biết.</p> <p>Vị này cho biết thêm, từ khi trung tâm đi vào hoạt động (2012) đến khi xin dừng (đầu năm 2016) trung bình mỗi tháng có khoảng từ 400 đến 500 lượt bệnh nhân vào thăm khám.</p> <p>"Về hoạt động tài chính do trung tâm này tự quyết định. Hội Đông y chỉ quản lý về mặt chuyên môn", ông Nguyễn Đình Toản cho biết thêm.</p> <p>Nói về hiệu quả chữa bệnh của ông Yên và cộng sự, ông Toản cho hay, qua khảo sát tại chỗ ngay sau khi được chữa trị thì bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cho biết bệnh có đỡ.</p> <p>"Đó chỉ là khảo sát trước mắt, còn sau này bệnh có lành hay không thì chúng tôi không được biết vì bệnh nhân không hồi âm lại. Những bệnh nhân đến đây đa số là "đặc biệt", muốn hiệu quả hơn thì cũng phải chữa lâu dài", ông Toản chia sẻ thêm.</p> <div class="content-box align-center"> <p>Năm 2011, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Tĩnh đã mời ông Võ Hoàng Yên về chữa bệnh miễn phí tại trụ sở Hội Đông y Hà Tĩnh khoảng 4 - 5 đợt.</p> <p>Sau đó, Hội Đông y Hà Tĩnh đã kết nạp ông Yên vào hội viên của Hội.</p> <p>Do khuôn viên của Hội Đông y chật hẹp, trong khi nhu cầu của người dân rất lớn nên đầu năm 2012 khi ông Yên đề xuất, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã bố trí cho khu đất là Trường THCS Cẩm Vịnh khi đó đang bỏ hoang để làm Trung tâm Phục hồi chức năng và Dưỡng sinh Võ Hoàng Yên.</p> <p>Cuối năm 2015, Sở Y tế Hà Tĩnh cấp phép hoạt động cho Trung tâm Võ Hoàng Yên.</p> <p>Đầu năm 2016, ông Yên đã dừng hoạt động và trả lại cơ sở cho tỉnh. Tháng 10/2016, Sở Y tế Hà Tĩnh đã thu hồi giấy phép hoạt động của Trung tâm này.</p> </div> <p> </p> </div> <p> </p>