Theo quyết định này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông là Trưởng ban. Ông Bùi Duy Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường là Phó Ban thường trực.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo còn có 7 thành viên là lãnh đạo các sở, ngành như: Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội; Ban quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội...; các thành viên là chủ tịch 12 quận nơi có cơ sở di dời và đại diện lãnh đạo các đơn vị có dự án di dời.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 về việc di dời, nhưng TP. Hà Nội đang rất ì ạch trong việc triển khai để rồi gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Đơn cử như vụ nổ nhà máy Rạng Đông vào tháng 8/2019. Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thừa nhận khu vực xảy ra cháy là nơi sản xuất đèn huỳnh quang, đèn tròn, đèn compact... kho hóa chất nằm trong khu vực xảy ra cháy có chứa khoảng 4,5 triệu viên hóa chất (trong đó có hàm lượng thủy ngân là 22%) và 34,3 kg thủy ngân,…
Vụ nổ đã ảnh hưởng tới toàn bộ người dân sinh sống và làm việc trong bán kính 5 -10km.
UBND TP. Hà Nội lý giải rằng, hiện nay việc sắp xếp di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch trên địa bàn thực hiện theo quy định tại Quyết định số 130 của Thủ tướng, Nghị định 167 năm 2017 và Nghị định số 67 ngày 15/7/2021 của Chính phủ.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số điểm về cơ chế, chính sách áp dụng có nhiều thay đổi, bất cập dẫn đến tiến độ xử lý, di dời chậm. Theo UBND TP. Hà Nội hiện có 4 vướng mắc lớn.
Cụ thể, UBND TP. Hà Nội sẽ đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo đề xuất Thủ tướng điều chỉnh bổ sung thẩm quyền phê duyệt danh mục cơ sở nhà, đất phải di dời do gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị.
Ngoài ra còn thống nhất tiêu chí cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị; và bổ sung cơ chế chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định của Luật Đất đai.