Nghịch lý ở chỗ, trong khi giá trị xuất khẩu linh phụ kiện ô tô cao hơn cả nhập khẩu thì các doanh nghiệp (DN) ô tô trong nước vẫn phải tìm nguồn hàng từ nước ngoài để lắp ráp khiến không chỉ giá thành sản xuất cao hơn các nước trong khu vực mà tỷ lệ nội địa hóa cũng gặp nhiều khó khăn.
Xuất khẩu nhiều, DN ô tô vẫn phụ thuộc linh kiện bên ngoài
Dù mỗi năm phải bỏ ra hàng tỷ USD nhập khẩu linh, phụ kiện ô tô về lắp ráp nhưng Việt Nam cũng đồng thời xuất khẩu hàng tỷ USD nhóm mặt hàng này. Cụ thể, năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng linh kiện phụ tùng ô tô của Việt Nam đạt kỷ lục 5,645 tỷ USD, cao hơn nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD/năm. Câu hỏi đặt ra, vì sao linh kiện phụ tùng ô tô xuất khẩu từ Việt Nam có giá trị rất cao nhưng công nghiệp phụ trợ vẫn chưa phát triển, chưa có nhiều DN phụ trợ trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất ô tô của các hãng xe trong nước?
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Chính sách của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho hay, các mặt hàng linh kiện phụ tùng ô tô sản xuất tại Việt Nam hầu hết thuộc loại đơn giản, gia công nhiều, chủ yếu như dây điện, các chi tiết nhựa… Hầu hết những linh kiện này đều được đưa vào khu chế xuất và từ những linh kiện phụ tùng này, các công ty tại khu chế xuất (chuyên sản xuất hàng xuất khẩu) áp dụng công nghệ cao, ráp thêm các linh kiện có yếu tố bản quyền thì mới thành cụm linh kiện hoàn chỉnh mà các hãng có thể lắp được cho ô tô. Do đó, dù giá trị xuất khẩu rất tốt nhưng khi bán vào nội địa cho nhà sản xuất xe Việt Nam thì được tính là DN trong nước nhập khẩu bộ dây điện.
“Công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam vẫn chưa phát triển được cũng vì nhiều DN trong nước vẫn chưa làm được 1 cụm linh kiện hoàn chỉnh, mới chỉ tham gia vào công đoạn, đóng góp chi tiết trong đó”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Thực tế hiện nay, các nhà cung cấp trong nước hầu hết mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% linh kiện cho xe sản xuất lắp ráp như ghế, dây điện… còn lại là nhập khẩu. Trong khi đó tại Thái Lan hay Indonesia, tỷ lệ này lên tới 90%.
Vì sao DN phụ trợ chưa thể “bắt tay” với hãng xe?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam cho hay, Ford Việt Nam hiện có 23 nhà cung cấp trong nước cho các chi tiết phụ tùng ô tô. Trong đó 8 nhà cung cấp FDI và 15 nhà cung cấp có vốn 100% nội địa.
"Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) cho biết, năm 2019 đơn vị tiếp tục gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và đã xuất khẩu 14,5 triệu USD linh, phụ kiện ô tô. Kế hoạch năm 2020 xuất khẩu 21 triệu USD và doanh số xuất khẩu sẽ gia tăng ít nhất 3 lần trong những năm tiếp theo.
Hiện, VinFast có hợp tác với 8 đơn vị cung cấp linh kiện phụ tùng cho ô tô. Hầu hết các nhà cung cấp linh kiện này là các DN FDI đặt nhà máy trong khuôn viên tổ hợp của VinFast. Chỉ duy nhất một công ty nội địa 100% cung ứng sản phẩm chi tiết nhựa cho xe VinFast là một đơn vị liên doanh giữa VinFast và Tập đoàn An Phát".
Theo lãnh đạo Ford Việt Nam, tuy xuất khẩu linh kiện phụ tùng ô tô đạt giá trị lớn song nhiều DN phụ trợ trong nước không thể trở thành đối tác của hãng bởi giá cả chưa cạnh tranh so với nguồn nhập khẩu bởi sản lượng ô tô của Việt Nam vẫn còn thấp. Điều này khiến các nhà cung cấp chưa thể đầu tư máy móc, trang thiết bị, công nghệ và con người đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của các hãng với quy mô thị trường nhỏ như vậy. Bên cạnh đó, một số mặt hàng đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao thì chất lượng của nhà cung cấp nội địa không đáp ứng được và mạng lưới các nhà cung cấp có khả năng cung ứng lớn cho ngành ô tô còn quá mỏng.
Để tăng cường thêm nhà cung cấp phụ trợ cho DN ô tô, hiện một số DN đang xem xét phối hợp với các DN sản xuất phụ trợ, làm linh kiện phụ tùng cho xe máy để tham gia sản xuất linh, phụ kiện cho ngành ô tô nếu dư công suất.
Theo ông Hiếu, các DN này đã có sẵn công nghệ, nhân lực, kinh nghiệm và nếu để làm thêm linh kiện phụ tùng cho ô tô sẽ không phải tốn thêm nhiều chi phí đầu tư. “Có một hãng ô tô cũng đã đạt được thỏa thuận với Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam, chuyên sản xuất các loại đèn và linh kiện đèn cho xe máy như Honda, sẽ sản xuất thêm đèn cho hãng này. Tuy nhiên, phía Stanley cũng yêu cầu mẫu xe đó phải có sản lượng cao thì mới chấp nhận làm”, ông Hiếu thông tin thêm.
Đại diện Toyota Việt Nam (TMV) cho hay, hiện tại, hãng đang có 5 DN phụ trợ Việt Nam cung cấp một số loại linh kiện, phụ tùng cho xe sản xuất lắp ráp trong nước. Cho đến nay, sản phẩm của 5 nhà cung cấp này cung ứng cho TMV để sản xuất, lắp ráp ô tô đều có giá thành ngang với nhập khẩu. “Nếu có nhà cung cấp nào chào hàng, đáp ứng được các tiêu chí như chất lượng, giá cả phù hợp thì hãng sẽ sẵn sàng sử dụng” đại diện TMV nói và cho biết thêm, có nhiều nhà cung cấp Việt Nam tới chào hàng nhưng do sản xuất số lượng ít, giá cao hơn nhiều so với nhập khẩu nên không hợp tác được.
Với tư cách lãnh đạo nhà sản xuất lốp nội địa có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất hiện nay, ông Phạm Hồng Phú, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina) cho hay, hãng đã xuất khẩu vào Mỹ nhiều năm, như năm vừa qua xuất hơn 1 triệu lốp với kim ngạch khoảng 40 triệu USD. Để được xuất khẩu vào Mỹ, Casumina phải được Mỹ cấp cho mã DOT (Chứng nhận của cơ quan quản lý giao thông Mỹ) khi đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cho từng dòng sản phẩm được phép bán vào thị trường nước này. “Về cơ bản phải đạt tiêu chuẩn chạy được trên cao tốc Mỹ đạt ngưỡng tốc độ 250km/h. Đạt được tiêu chuẩn Mỹ thì gần như sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn của các quốc gia khác. Trong năm nay, Casumina sẽ tiến đến cung cấp lốp cho một số dòng xe du lịch thương hiệu Nhật như Innova, Fortuner với tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương lốp xuất sang Mỹ”, ông Phú cho biết thêm.