Vì sao điểm cao vẫn trượt?

Năm nay, điểm chuẩn của đa số các trường đại học đều tăng, cá biệt, có những ngành tăng tới 9 điểm. Nhiều thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt đại học.

Bắt đầu từ 15/9, các trường đại học trên cả nước đã đồng loạt công bố điểm chuẩn trúng tuyển năm 2021.

Năm nay, điểm chuẩn của đa số các trường đại học tăng 0,5 - 3 điểm, một số trường tới 8 - 10 điểm. Đặc biệt, một số ngành, điểm chuẩn lên tới trên 30 điểm (cả cộng điểm ưu tiên), gây “choáng”.

Cụ thể, điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn chương trình chất lượng cao Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) năm nay lên tới tới 30,5 điểm.

Một số những trường tốp đầu, điểm chuẩn cũng tăng mạnh. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có điểm trúng tuyển ở mức 28,3 - tăng 0,3 điểm so với năm 2020

Đối với khối ngành sư phạm, điểm chuẩn ngành Sư phạm Tiếng Anh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cao nhất (28,53 điểm). Tiếp đó là các ngành Sư phạm Toán học (dạy bằng Tiếng Anh), điểm chuẩn lên đến 28,25. Mức điểm chuẩn này tăng từ 0,75 - 1,5 điểm so với năm 2020.

Nhiều thí sinh năm nay rơi vào tình trạng có điểm rất cao, 25 – 26 điểm nhưng vẫn trượt đại học. Cá biệt, có thí sinh, trên 27 điểm mà trượt cả 9 nguyện vọng.

Lý giải về việc năm nay điểm tăng cao, các chuyên gia cho rằng, một trong những lý do quan trọng là trường đại học dành chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT ít. Thay vào đó, dành nhiều chỉ tiêu các phương thức khác.

Đối với các ngành có xét điểm ngoại ngữ có điểm tăng mạnh, một phần do số thí sinh giỏi ngoại ngữ có mong muốn đi du học nhưng hiện vẫn đang xét tuyển đại học trong nước.

Nhiều thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học, là do không có “chiến thuật” đặt nguyện vọng tốt, tập trung vào quá nhiều ngành “hot”, thiếu phương án an toàn.

Theo Đời sống
back to top