Các địa phương không có dịch có thể cho học sinh đi học trở lại
Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi giám đốc sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố; thủ trưởng các đại học, học viện; các trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi học sinh, sinh viên đi học trở lại.
Công văn phúc đáp của Bộ Y tế gửi Bộ GD&ĐT về việc các điều kiện, tiêu chí cho học sinh nghỉ học. |
Công văn nêu rõ: Sau khi xin ý kiến về mặt chuyên môn của Bộ Y tế về việc chuẩn bị các điều kiện khi học sinh trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ GD&ĐT yêu cầu:
“Đối với các địa phương không có dịch có thể cho học sinh đi học trở lại sau khi đã tiêu độc, khử trùng, vệ sinh bàn ghế, thiết bị dạy học, lớp học, đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh cho học sinh (nước sạch và xà phòng), hướng dẫn học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên về cách thức phòng chống bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về dịch bệnh Covid-19, giúp cho học sinh biết cách phòng bệnh. Đối với các địa phương có báo cáo trường hợp bệnh, ngoài yêu cầu trên, tiếp tục theo dõi sát tình hình và chỉ cho học sinh đi học trở lại khi đã có các biện pháp phòng bệnh cho học sinh; trường hợp nhiễm bệnh đã được tiến hành cách ly và không phát sinh ca mới thực hiện như khuyến cáo của Bộ Y tế tại Công văn số 566/BYT-DP ngày 08/02/2020”.
Nội dung của công văn cho thấy, với những địa phương không có dịch, có thể cho học sinh, sinh viên (sau đây gọi tắt là học sinh) đi học trở lại, miễn là đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn.
Tuy nhiên, theo Báo cáo dựa trên dữ liệu thu thập từ hơn 1.000 bệnh nhân Trung Quốc trong dịch viêm phổi Vũ Hán cho thấy thời gian ủ bệnh của Covid-19 kéo dài đến 24 ngày thay vì 14 ngày như hiểu biết hiện tại.
Vậy, điều gì đảm bảo là một địa phương là không có dịch, và học sinh từ địa phương này không di chuyển về địa phương khác để học tập? Ví dụ như Hà Nội, trong hai tuần nghỉ vừa rồi, rất nhiều gia đình đã phải gửi con về quê để đi làm. Và cả sinh viên ở các trường ĐH cũng nghỉ ở quê, khắp mọi miền Tổ quốc.
Cứ tưởng tượng, rất nhiều học sinh đi về thành phố từ các vùng quê khác nhau, tiếp xúc với rất nhiều người, trong đó không biết được liệu nguồn tiếp xúc đó có an toàn không, giờ lại học cùng nhau, ăn, ngủ, vui chơi cùng nhau, nếu một em có bệnh, thì sẽ như thế nào?
Nội dung công văn này rõ ràng chưa thuyết phục về việc sẽ đảm bảo được sự an toàn cho học sinh khi đi học trở lại trong thời điểm này, kể cả ở địa phương được cho là "không có dịch".
Giáo viên có trách nhiệm theo dõi sát sao sức khỏe của học sinh
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp với các bộ, ngành về hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan dự thảo các nội dung chuyên môn y tế. Văn bản này đã được gửi đến Bộ GD&ĐT.
Theo văn bản, học sinh khi đến lớp học cần: “Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp. Vứt bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay. Bỏ rác đúng nơi quy định.
Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh; Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay, gối, chăn…; Nghiêm cấm học sinh khạc nhổ bừa bãi”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều giáo viên thì học sinh, đặc biệt là học sinh ở những cấp học dưới sẽ khó tuân thủ được các quy định trên, không thể đảm bảo được an toàn cho các học sinh khác nếu trong lớp có em nhiễm bệnh.
Đặc biệt, trong văn bản nêu: “Hàng ngày, trước khi vào giờ học, giáo viên điểm danh và hỏi học sinh có cảm thấy sốt hay có ho, khó thở, mệt mỏi không. Nếu có, giáo viên đưa ngay học sinh đến phòng y tế để kiểm tra, theo dõi.
Trong thời gian học, khi giáo viên phát hiện học sinh có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở thì phải đưa đến phòng y tế ngay để kiểm tra, theo dõi, cách ly và thông báo ngay cho trạm y tế xã/phường, cơ quan quản lý và cha mẹ học sinh”.
Nhiều giáo viên cho rằng, việc giáo viên phải “căng” mình ra theo dõi sức khỏe của mấy chục học sinh sẽ gây áp lực, căng thẳng, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học. Và cũng không chắc chắn sẽ phát hiện được kịp thời trường hợp nhiễm bệnh hay không, chưa kể có những ca bệnh không có triệu chứng rõ ràng.
Chỉ đóng cửa tạm thời trường học khi 2 lớp học trở lên có trẻ nhiễm Covid-19
Ngày 12/2, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh ký công văn khẩn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh do dịch Covid-19 trong trường học.
Theo đó, Sở Y tế thông báo sẽ thực hiện đóng cửa tạm thời lớp học trong trường hợp có từ 2 trẻ trở lên mắc bệnh trong vòng 7 ngày và kết quả khảo sát dịch tễ cho thấy có khả năng lây lan.
Việc đóng cửa tạm thời trường học chỉ được tiến hành khi từ 2 lớp học trở lên có trẻ nhiễm dịch Covid-19; đồng thời, phải có sự thống nhất của lãnh đạo ngành và sự chấp thuận của UBND thành phố. Quyết định sẽ căn cứ trên kết quả khảo sát dịch tễ và đề xuất của cơ quan y tế.
Thực tế, trường hợp lây nhiễm từ tâm dịch ở Vĩnh Phúc cho thấy, cả 4 người trong gia đình bệnh nhân thứ 16 mắc bệnh Covid-19 ở Việt Nam đều do lây từ bệnh nhân trở về từ Vũ Hán.
Như vậy có thể thấy, việc tiếp xúc gần với người bệnh chính là nguy cơ lây nhiễm lớn. Vậy, không hiểu lý do gì mà theo Sở Y tế TPHCM, chỉ khi có từ 2 học sinh nhiễm bệnh trong lớp thì mới đóng cửa tạm thời lớp học và chỉ tạm thời đóng cửa trường học khi có từ 2 lớp học có trẻ nhiễm dịch trở lên? Trong khi, với môi trường trường học, lớp học, chỉ cần có một trẻ nhiễm dịch đã đủ là nguồn lây lan nguy hiểm rồi?
Tại cuộc họp về bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chống dịch như chống giặc. Vậy, liệu cũng có nên đặt việc học tập của học sinh giống như thời chiến, phải thực sự an toàn mới cho học sinh đi học trở lại? Hiện tại, chúng ta vẫn đang kiểm soát rất tốt tình hình. Tuy nhiên, diễn biến của dịch Covid-19 khó lường. Các giải pháp tăng cường an toàn trong phòng bệnh của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế... khi học sinh đi học trở lại chưa thực sự thuyết phục. Nhiều phụ huynh, giáo viên mong muốn học sinh tiếp tục nghỉ học, ít nhất là hết tháng 2, mong muốn được Bộ GD&ĐT lắng nghe. Trong tình huống buộc phải lựa chọn giữa an toàn, sức khỏe và kiến thức, hãy lựa chọn vế đầu.