<div> <div class="text-long"> <p>Vụ việc Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng bị cách chức đã trở thành chủ đề tranh luận nóng trong phiên chất vấn đầu tiên ngày 6/11 của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV.</p> <p>Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đã trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội về vấn đề này.</p> <figure class="gallery-embed embedded-entity image process-filter-image align-center" role="group"> <div> <div><picture class="img"><img alt="ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) chất vấn về câu chuyện ĐH Tôn Đức Thắng." src="https://khds.1cdn.vn/2020/11/08/vov-vn_202011051046110495_le_thanh_van_-_doan_dbqh_tinh_ca_mau_5.jpg" /></picture></div> </div> <figcaption>ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) chất vấn về câu chuyện ĐH Tôn Đức Thắng.</figcaption> </figure> <p><strong>PV:</strong> <em>Xin đại biểu nêu rõ lại đánh giá và nhìn nhận của mình về quyết định cách chức Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam?</em></p> <p><strong>Đại biểu Lê Thanh Vân:</strong> Xem xét ở góc độ pháp lý, việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành văn bản cách chức Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng là trái pháp luật, trái với Khoản 1 Điều 20 của Luật Giáo dục đại học, theo đó, quy định quyết định này thuộc về Hội đồng trường hay Hội đồng Đại học.</p> <p>Dù theo luật cán bộ, luật viên chức, những nhân sự là cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì họ có quyền kỷ luật, nhưng ở đây, chức danh Hiệu trưởng trường đại học thì phải tuân thủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học vừa mới được Quốc hội thông qua. Đây là một luật rất tiến bộ, mở đường cho tự chủ đại học.</p> <p>Tôi đánh giá về mặt nhận thức và hành vi quyết định này là có vấn đề. Cùng với đó, việc cách chức Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng theo trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, là diễn ra trong khi không có Hội đồng trường. Nhưng tôi được biết, Trường ĐH Tôn Đức Thắng khi sắp hết nhiệm kỳ Hội đồng trường đã có văn bản đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam công nhận, cho phép nhà trường thành lập Hội đồng trường mới. Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không trả lời.</p> <p>Câu chuyện không dừng tại đây, theo đó, dựa vào vi phạm về Đảng của Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã cách chức Hiệu trưởng. Đây là câu hỏi tôi đặt ra với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Bởi vì quyết định này không có cơ sở pháp lý và vi phạm pháp luật.</p> <p><strong>PV:</strong> <em>Sau câu trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ĐBQH Trần Thị Diệu Thuý (Đoàn TPHCM) đã có tranh luận. Ông có thể cho biết cụ thể hơn phần tranh luận lại của mình trước ý kiến của đại biểu Diệu Thuý?</em></p> <p><strong>Đại biểu Lê Thanh Vân:</strong> Việc cách chức Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng như quy định hiện hành là căn cứ vào Khoản 1 Điều 20 Luật Giáo dục Đại học, là thẩm quyền của Hội đồng trường, nhưng trong bối cảnh Hội đồng trường ĐH Tôn Đức Thắng đã hết nhiệm kỳ thì phải áp dụng theo Điểm A, Khoản 6, Điều 7 Nghị định 99/2019 của Chính phủ, hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học. Trong đó, quy định tình huống khi Hội đồng trường hết nhiệm kỳ và Hiệu trưởng cùng với nhiệm kỳ Hội đồng trường, thì trong lúc chưa có Hội đồng mới, Hiệu trưởng được kéo dài nhiệm kỳ cho đến khi Hội đồng trường mới thành lập và quyết định nhân sự, cũng như Hiệu trưởng mới là do cấp trên chủ quản trực tiếp công nhận. Như vậy, quyết định của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không căn cứ vào đâu.</p> <p>Tranh luận với chất vấn của tôi, đại biểu Trần Thị Diệu Thuý, một người làm trong ngành công đoàn, nói rằng quyết định của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là đúng vì dựa trên văn bản trao đổi của Bộ Nội vụ. Theo như đại biểu Diệu Thuý, Bộ Nội vụ cho phép làm. Câu chuyện tôi cho rằng càng vi phạm, vì Bộ Nội vụ không thể đứng trên Luật. Văn bản của Bộ Nội vụ là văn bản cá biệt, hướng dẫn một tình huống cụ thể nhưng phải dựa trên trước hết là quy định của Luật và thứ 2 là quy định của Nghị định 99.</p> <p>Tôi cũng đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải trình tại phiên chất vấn, nhưng do thời gian có hạn nên Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trao đổi riêng</p> <article class="inner-article hzol-clear"> <div class="header"> <div class="summary"><strong>PV:</strong> <em>Theo đại biểu, chúng ta cần rút ra bài học nào cho hướng đi tự chủ đại học sau câu chuyện của ĐH Tôn Đức Thắng?</em></div> </div> </article> <p><strong>Đại biểu Lê Thanh Vân:</strong> Theo tôi, thành quả về mặt giáo dục đại học của trường ĐH Tôn Đức Thắng mang lại đã đưa hình ảnh Việt Nam và cả TP HCM ra tầm quốc tế. Một trường Đại học đứng trong 900 trường hàng đầu thế giới và được các tổ chức quốc tế công nhận là trường đại học tốt nhất Việt Nam. Cùng lúc nhận nhiều tin vui như vậy, ĐH Tôn Đức Thắng lại nhận quyết định cách chức Hiệu trưởng.</p> <p>Trong mối quan hệ nhân quả giữa Hiệu trưởng với toàn bộ nhà trường có thành tích tốt như vậy, dư luận đặt ra câu hỏi là đương nhiên. Căn cứ vào đâu để cách chức Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng? Phải có thông tin cho dư luận minh tường chứ không thể đưa ra những căn cứ chung chung được. Hơn nữa đây là quyết định kỷ luật của Đảng bộ Khối các trường đại học là cơ quan trực thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Và tôi biết rằng, ông Lê Vinh Danh đã có khiếu nại và trong khi Thành uỷ TP HCM chưa xem xét khiếu nại theo quy định, thì Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam căn cứ vào quyết định kỷ luật của Đảng bộ trên cơ sở thuộc TP HCM để cách chức trái pháp luật. Đảng viên vi phạm phải xử lý theo quy định của Đảng là đương nhiên, nhưng phải minh bạch, tường minh ở việc cách chức Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng phải tuân thủ Luật Giáo dục đại học. Không thể đánh tráo khái niệm trong việc chấp hành Luật.</p> <p>Cần thiết là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội giám sát vụ việc này. Trước hết, tôi đã gửi chất vấn tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người được giao phụ trách ngành giáo dục. Trong khi Quốc hội chưa giám sát thì Chính phủ phải có trách nhiệm làm rõ hành vi này của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Như trả lời của Phó Thủ tướng, thì tình huống này theo Luật là không đúng và giải thích là trường hợp đặc biệt thì không đúng. Tôi đã tranh luận lại và nêu cơ sở pháp lý là Nghị định 99 quy định tình huống này nhưng sao không được áp dụng. Điều này tôi đã lưu ý khi tranh luận với Phó Thủ tướng và đại biểu Diệu Thuý.</p> <p>Trước Quốc hội, tôi đề nghị các cơ quan chủ quản các trường đại học phải tuân thủ Luật Giáo dục đại học và tôn trọng các quy định để tránh lộng hành quyền lực trong việc ứng xử với các cơ sở đại học theo hướng tự chủ vốn là một chủ trương tiến bộ mà Quốc hội vừa sửa đổi bổ sung trong Luật Giáo dục đại học.</p> <p><strong>PV:</strong> Xin cảm ơn đại biểu!./.</p> </div> </div> <p> </p>