Trả lời về mốc thời gian khống chế, kiểm soát dịch ở TPHCM trước 15/9; ở Bình Dương, Long An, Đồng Nai trước 1/9 và các địa phương khác trước 25/8, ông Trần Văn Thuấn cho rằng nội dung này đã được nêu trong Nghị quyết 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Để đưa ra đề xuất này, Bộ Y tế đã dựa trên tình hình hiện tại về tỷ lệ mắc Covid-19 cũng như sự đáp ứng trong công tác phòng chống dịch của các tỉnh, thành dưới sự hỗ trợ của toàn hệ thống chính trị.
Trong đó, tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt ở TPHCM, tỷ lệ mắc Covid-19 đang có xu hướng đi ngang. Vì thế, cùng với việc kiểm soát tốt hơn ở TPHCM, hi vọng sẽ thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng ở các vùng đỏ, và đồng thời mở rộng vùng xanh.
"Với vùng vàng, vùng đỏ, cần có chiến lược xét nghiệm phù hợp, khi nào dùng test kháng nguyên nhanh, khi nào dùng xét nghiệm PCR để nhanh nhất tách F0 ra khỏi cộng đồng. Từ đó, từng bước xanh hóa vùng đỏ và vùng vàng, kết hợp đáp ứng chăm sóc, điều trị, cấp cứu bệnh nhân tại các tầng"- ông Thuấn nói và khẳng định phải phân tầng bệnh nhân đúng, chuyển đúng để hạn chế quá tải bệnh viện.
TPHCM sẽ được ưu tiên phân bổ vắc xin nhiều nhất
Nói về nguyên tắc phân bổ vắc xin, ông Thuấn nói "dựa trên tình hình mắc bệnh của từng địa phương". TPHCM đang là địa phương có số người mắc cũng như tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhất nước nên sẽ được ưu tiên phân bổ nhiều nhất.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng dựa vào nhiều tiêu chí khác như dân số, có nhiều khu công nghiệp để phân bổ vắc xin.
"Quan điểm của Bộ Y tế là phân bổ cố gắng hài hòa, hợp lý nhất. Tôi hi vọng sớm đủ vắc xin để giảm bớt áp lực trong phân bổ cho các tỉnh, thành phố"- lãnh đạo Bộ Y tế cho hay.
Nhắc lại dấu mốc tháng 4/2020, khi Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên phân lập thành công virus SARS-CoV-2, tiền đề rất quan trọng cho các cơ sở nghiên cứu, phát triển vắc xin, ông Thuấn cho biết ngày 7/7 vừa qua đã xin phép Hội đồng Đạo đức quốc gia để nghiệm thu pha 1 và giữa pha 2 vắc xin Nano Covax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen. Nghiệm thu cho thấy vắc xin này bước đầu an toàn và có sinh miễn dịch tương đối. Hội đồng sau đó đã cho phép tiếp tục thực hiện pha 3.
"Chúng tôi cho phép "gối đầu" để làm sao nhanh nhất hoàn thiện nghiên cứu vắc xin. Cuối tuần tới khi có kết quả giữa kỳ pha 3, chúng tôi sẽ tiếp tục họp với Hội đồng đạo đức và Hội đồng cấp phép, nếu kết quả tốt, an toàn, sinh miễn dịch cao, bước đầu đánh giá hiệu quả bảo vệ thì dự kiến cấp phép trong tình trạng khẩn cấp"- ông Thuấn nói.
Bên cạnh đó, Viện vắc xin và sinh phẩm Y tế Nha Trang của Bộ Y tế (IVAC) cũng đã hoàn tất pha 1 và bắt đầu sang pha 2. Dự kiến trong năm 2021, IVAC sẽ hoàn tất pha 2 và pha 3. Một số nhà sản xuất, tập đoàn, công ty cũng đã nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin từ nước ngoài.
Dự kiến 15/8 tới sẽ thử nghiệm lâm sàng vắc xin do Tập đoàn Vingroup kết hợp với Mỹ; nếu thuận lợi thì cuối 2021 sẽ xong. Tương tự, có các hợp tác với Nhật Bản, Cu Ba, Đức, Tây Ban Nha trong thương mại và chuyển giao công nghệ, trên tinh thần nhanh chóng nhưng đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ.