Bột nghệ cần ăn cùng mật ong khi no
Từ trước đến nay người dân vẫn thường sử dụng bột nghệ để ăn cùng mật ong, pha nước, rắc vào cơm… ăn nhằm mục đích bồi bổ sức khoẻ, thậm chí có thể phòng nhiều bệnh lý.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Hữu Lý, chủ nhiệm đề tài Nhà nước “Curcumin Nano”, Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), bột nghệ cần được ăn cùng mật ong.
Nếu không cùng mật ong, bột nghệ không những không có tác dụng mà còn có thể gây viêm loét dạ dày nhiều hơn. Nguyên do khi kết hợp cùng mật ong, bột nghệ sẽ được dàn đều trong dạ dày nên không bị vón thành từng mảng.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng, độ pH xung quanh những nơi vón cục rất thấp. Điều này có nghĩa độ axit điểm này cao, dẫn đến nguy cơ gây viêm loét dạ dày. Vì thế, tác dụng chữa đạ dày không có mà còn gây bệnh nặng hơn.
Cần ăn, uống bột nghệ khi no, bởi chất curcumin trong bột nghệ chỉ tan trong dịch mật. Sau khi ăn, trong dạ dày có nhiều dịch mật vì thế sẽ có hiệu quả hơn. Nếu ăn khi đói, tức trước bữa ăn bột nghệ sẽ không có tác dụng vì không thấm vào máu.
“Nhiều người cho rằng, ăn bột nghệ kèm mật ong vì mật ong có tác dụng làm lành vết thương nhưng thực chất chưa chính xác. Trên thực tế, mật ong có một phần kháng khuẩn nhưng chủ yếu để hỗ trợ bột nghệ được dàn đều và hạn chế tình trạng vón mảng. Đây là một cách hỗ trợ để bột nghệ chữa dạ dày”, PGS.TS Phạm Hữu Lý cho hay.
Bột nghệ phải ăn cùng mật ong để tránh viêm loét dạ dày.
Tránh nhầm lẫn bột nghệ và tinh nghệ
Cũng theo vị chuyên gia PGS.TS Phạm Hữu Lý, hiện nay nhiều người đang nhầm lẫn giữa bột nghệ và tinh nghệ (tinh chất nghệ). Trong khi đó, hai thành phần này hoàn toàn khác nhau.
10kg nghệ tươi sẽ làm ra được 1kg bột nghệ khô. Nhưng trong 1kg bột nghệ chỉ có 2% tinh nghệ, còn gọi là curcumin. Dù hàm lượng nhỏ nhưng tinh chất nghệ lại là thành phần quan trọng nhất, có tác dụng phòng và hỗ trợ được rất nhiều bệnh.
“Trong bột nghệ, ngoài 2% tinh chất nghệ curcumin thì các chất còn lại gồm tinh bột là chính, các loại muối khoáng, một ít vitamin, sáp, nhựa, tinh dầu… Nếu ăn bột nghệ là ăn tất cả các thành phần trên và sẽ có một phần nào đó hỗ trợ cho sức khoẻ nhưng phải rất lâu dài theo kiểu mưa dầm thấm áo.
Nhưng cũng chính tinh dầu, sáp nhựa lại có hại và hủy hoại tế bào gan. Trong khi tinh chất nghệ sạch do được chiết xuất ra và có tác dụng tốt trong nhiều bệnh đối với hệ tiêu hóa, phòng tránh ung thư, giảm cholesterol…”, PGS.TS Phạm Hữu Lý nói.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, nhiều nơi người dân tự làm nhưng quảng cáo và chào bán là tinh bột nghệ là hoàn toàn không chính xác. Người dân có thể tự làm bột nghệ như làm bột sắn dây, nhưng để làm tinh nghệ phải có công nghệ tách chiết, thiết bị cũng như sự hiểu biết mới làm được.
Ở góc độ khác, chuyên gia về nano nghệ cũng cho rằng, tinh nghệ có hai nhược điểm là vào dạ dày bị phân hủy và không tan trong nước. Vì thế, khả năng hấp thu vào máu kém. Cụ thể, có khoảng 3% tinh nghệ được hấp thu vào máu, còn 97% bị thải ra ngoài. Tức uống 100g tinh chất curcumin chỉ hấp thu được 3g vào người.
Để khắc phục nhược điểm này nên các nhà khoa học đã nghiên cứu ra curcumin nano. Đây là kỹ thuật biến những hạt tinh nghệ lớn thành hạt nhỏ có kích thước nano (10-9) có khả năng hấp thu vào máu và xâm nhập vào tế bào tốt hơn. Nhờ đó có khả năng phòng và hỗ trợ chữa các bệnh cao hơn.
Hiền Dung