“Vi khuẩn Conan” chứng minh sự sống ngoài hành tinh có mặt cạnh chúng ta
Thiên Trang (th)
Mới đây, một nghiên cứu của nhóm nhà khoa học người Mỹ đã phát hiện ra một loài sinh vật có thể giữ cho dòng giống của mình sống 280 triệu năm trong một thế giới ngoài hành tinh khô cằn, nhiệt độ -80 độ C.
6 loài sinh vật được lựa chọn để tham gia thí nghiệm là những sinh vật "ngoại hạng" trên Trái Đất. Trong thí nghiệm của nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà nghiên cứu bệnh hoc Michael Daly từ Trường Đại học Uniformed Services - Mỹ, chúng qua cuộc thử thách sức khỏe kinh khủng nhất mọi thời đại.
6 sinh vật "ngoại hạng" này bao gồm vi khuẩn Deinococcus radiodurans và nấm men Saccharomyces cerevisiae - đầu tiên phải chứng minh bản thân đủ sức sống khỏe trong môi trường… Sao Hỏa với nhiệt độ -80 độ C, gần như không có nước.
Chưa kể, chúng - dưới dạng khô và đông lạnh - bị bắn phá bằng tia gamma và proton để mô phỏng bức xạ vũ trụ, với mức độ đủ gây rối đối với các khối cấu tạo cơ bản của sự sống là axit amin.
Điều này cũng tái hiện điều kiện Sao Hỏa, một hành tinh có khí quyển và từ quyển mong manh nên bề mặt hứng chịu bức xạ khắc nghiệt đủ khiến con người tử vong trong vòng 6 tháng vì bị nhiễm bức xạ gấp 40-50 lần bức xạ trên Trái Đất. Kẻ bất tử đã lộ diện, là Deinococcus radiodurans, được các nhà khoa học đặt biệt danh là "vi khuẩn Conan".
Các dữ liệu tiết lộ vi khuẩn Conan có thể duy trì dòng giống của mình thông qua trạng thái đông lạnh và có thể là những giai đoạn hồi sinh ngắt quãng trong suốt 1,5 triệu năm nếu nằm ở 10 cm dưới bề mặt Sao Hỏa. Ở độ sâu 10 mét, chúng có thể tồn tại 280 triệu năm.
Điều này có nghĩa nếu Sao Hỏa - hành tinh được sinh ra như người anh em song sinh hoàn hảo của Trái Đất - cũng tồn tại một phiên bản song sinh của Conan, rất có thể chúng vẫn bò đâu đó dưới bề mặt.
"Mặc dù vi khuẩn Conan bị chôn vùi dưới bề mặt Sao Hỏa không thể tồn tại trong trạng thái ngủ đông suốt 2 đến 2,5 tỉ năm - từ khi nước biến mất trên Sao Hỏa - nhưng môi trường Sao Hỏa thường xuyên bị thay đổi và tan chảy do tác động của thiên thạch" - tiến sĩ Daily giải thích. Điều này có nghĩa chúng bị rã đông gián đoạn với những quãng ngắn đủ cho việc sinh thêm con cháu, duy trì dòng giống.
Đồng tác giả, nhà hóa học Brian Hoffman từ Trường Đại học Northwestern - Mỹ thận trọng với "tin vui" này. Họ cho rằng nếu Sao Hỏa cũng có dạng sống này như Trái Đất, khả năng vi khuẩn lây nhiễm chéo của hai hành tinh trong quá trình du hành không gian là một mối nguy cần đề phòng.
Nhưng trên hết, đây là một tín hiệu vui, có thể định hướng cho các nhiệm vụ do thám Sao Hỏa như ExoMars của ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu) hay các robot săn sự sống của NASA đang hiện diện trên hành tinh hàng xóm này.
Deinococcus radiodurans được nhà nghiên cứu Arthur Anderson tại Trạm Thí nghiệm Nông nghiệp Oregon (Mỹ) phát hiện năm 1956 trong một hộp thịt.
Các nghiên cứu khoa học đều cho thấy Deinococcus radiodurans là một trong những sinh vật kháng bức xạ mạnh nhất từng được biết đến. Nó có thể tồn tại trong môi trường lạnh, mất nước, chân không và axit. Nhờ những đặc tính này mà loài vi khuẩn này được ghi danh trong Sách Kỷ lục Thế giới Guinness là vi khuẩn sống dai nhất thế giới.
Nhưng cho đến tận năm 2015, các nhà khoa học mới phát hiện thêm khả năng sống sót ngoài không gian của Deinococcus radiodurans, biến loài này thành sinh vật gần như "bất tử".
>>>Xem thêm video: Nasa chuẩn bị công bố bằng chứng sự sống trên Sao hỏa (Nguồn: VTC14).