Vết nứt đồi dài 125m ở Quảng Nam: Công bố tình huống khẩn cấp

Chiều dài vết nứt qua đo và quan sát được khoảng 125m, độ sụt, lún của mảng trượt thấp hơn so với mặt bằng tự nhiên bình quân khoảng 1,5m.

Cụ thể, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn từ ngày 17/9 đến 19/9, tại thôn 56B xã Đắc Pre, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam xảy ra vết nứt và sụt lún đất. Vết nứt theo hình vòng cung, trên đỉnh đồi so với mặt cắt khu dân cư khoảng 60m.

Chiều dài vết nứt qua đo và quan sát được khoảng 125m, độ sụt, lún của mảng trượt thấp hơn so với mặt bằng tự nhiên bình quân khoảng 1,5m. Độ hở vết nứt khoảng 1m và biến dạng tại một số điểm dọc theo vết nứt quan sát được khoảng 1,5m.

Quang Nam cong bo tinh huong khan cap ve vet nut doi dai 125m

Vết nứt kéo dài 125m trên quả đồi tại thôn 56B, xã Đắc Pre

Với thực trạng vết nứt và mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng tại khu vực này, nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân thôn 56B, xã Đắc Pre.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Nam Giang tiếp tục triển khai thực hiện biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Huy động lực lượng, phương tiện, các nguồn lực nhanh chóng sơ tán, di dời dân ra khỏi nơi nguy hiểm, bố trí đảm bảo hậu cần cho dân tại nơi sơ tán.

Cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người và phương tiện qua lại đảm bảo an toàn trên tuyến; tăng cường thông tin, truyền thông để người dân biết về nguy cơ diễn biến sạt lở, chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó.

Cấp phát miễn phí lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để giúp nhân dân xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, ổn định đời sống nhân dân trong quá trình ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Quang Nam cong bo tinh huong khan cap ve vet nut doi dai 125m-Hinh-2
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng kiểm tra hiện trườngt

Tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản cho người dân; thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến của vết nứt và mức độ ảnh hưởng, báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ngành liên quan để theo dõi, chỉ đạo.

Chỉ đạo các phòng, ban liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá chọn vị trí, phương án xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng, lập hồ sơ, thủ tục đầu tư theo quy định, trước mắt xây dựng phương án bố trí đất tái định cư cho 11 hộ dân bị ảnh hưởng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng lưu ý: “Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Nam Giang chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn về người và tài sản tại thôn 56B, xã Đắc Pre, huyện Nam Giang”.

Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn UBND huyện Nam Giang thực hiện nội dung về đất đai, cấp GCNQSDĐ ở cho 11 hộ dân của thôn 56B, xã Đắc Pre tại khu tái định cư mới; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh (nếu có).

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng đóng chân trên địa bàn, hỗ trợ tháo dỡ, di dời tài sản của 11 hộ dân thôn 56B, xã Đắc Pre ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đến vị trí an toàn và thực hiện lắp dựng lại sau khi xây dựng hoàn thành khu tái định cư.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm theo dõi, phối hợp, hỗ trợ UBND huyện Nam Giang trong quá trình thực hiện các nội dung nêu trên.

>>> Mời độc giả xem thêm video Quảng Ninh công bố tình trạng khẩn cấp khu vực nguy cơ sạt lở:

(Nguồn: Tiền Phong)

Theo Đời sống
back to top