Dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam 2020, VEPR đưa ra 3 kịch bản, được xây dựng dựa trên 3 kịch bản về khả năng kiểm soát bệnh dịch trong nước và trên thế giới. Kịch bản 1 - lạc quan nếu dịch bệnh trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường, thế giới cũng nới các biện pháp phong tỏa. Nền kinh tế bắt đầu hồi phục vào nửa cuối quý 2. Theo kịch bản này, tăng trưởng quý 2 sẽ âm 3,3%, nền kinh tế khởi sắc từ quý 3 với tăng trưởng GDP 7,2%. GDP cả năm tăng trưởng ở mức 4,2%.
Ở Kịch bản 2 - trung tính, bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý 3/2020. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý 3/2020. Theo đó, tăng trưởng GDP sẽ âm trong cả quý 2 và quý 3, với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có thể có mức tăng trưởng âm (giảm 1,5 - 4%); Khai khoáng tăng trưởng âm trong cả năm; Chế biến chế tạo kéo dài mức tăng trưởng âm trong quý 2 và 3. Trong khu vực dịch vụ, bị ảnh hưởng nặng nhất gồm vận tải & kho bãi, dịch vụ lưu trú & ăn uống, nghệ thuật & giải trí (mức giảm từ 25 - 70%). Theo kịch bản này, tăng trưởng GDP quý 2 sẽ âm 4,9%, tăng trưởng quý 3 âm 1,1%. Dự báo cả năm, tăng trưởng GDP ở mức 1,5%.
Nếu tình trạng xấu hơn sẽ diễn ra Kịch bản 3 - bi quan, bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế toàn toàn vào nửa sau quý 4/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Tác động xấu của Covid-19 sẽ kéo dài tới tận quý 4, nền kinh tế bắt đầu hồi phục vào nửa cuối quý 4/2020. Tăng trưởng GDP quý 2 dự báo âm 5,1%, tăng trưởng quý 3 âm 5,3%. Dự báo cả năm, tăng trưởng GDP ở mức âm 1%.
Nhóm nghiên cứu của VEPR kiến nghị để hướng tới dài hạn, chính sách của Chính phủ phải đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực trong ngắn hạn (như chính sách giảm giá điện hay tiền thuê đất). Trong mọi hoàn cảnh, chính sách ban hành phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn có khả năng hoạt động, những phương án thích ứng - vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh đồng thời tránh "ngăn sông cấm chợ" cực đoan. Ngoài ra, chính sách cũng cần phải phân định đối tượng bị ảnh hưởng khác nhau, như nhóm các doanh nghiệp bị ngừng hoạt động nên có những ưu tiên khoanh/ngưng các chi phí tài chính. Khi đại dịch qua đi, các doanh nghiệp này còn có thể hoạt động trở lại sẽ đưa vào nhóm hỗ trợ khuyến khích tín dụng.