PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng cho rằng, nếu chỉ xem qua qua quy định sinh viên hoạt động mại dâm lần thứ 4 sẽ buộc thôi học thì có vẻ nhà trường đang quan tâm đến đạo đức của sinh viên. Nhưng thực tế, quy định như vậy chứng tỏ sự nông cạn, thiếu hiểu biết của người làm luật, xây dựng quy chế, nên bị xã hội “ném đá” cũng dễ hiểu.
Đừng làm thay việc của xã hội
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công khai để lấy ý kiến Dự thảo Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy. Theo dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sinh viên ngành đào tạo giáo viên nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học. Rất nhiều ý kiến bày tỏ sự ngạc nhiên, khó hiểu với quy định này, ông nghĩ sao?
Tôi cho rằng mại dâm là hoạt động bất hợp pháp, được pháp luật điều chỉnh, xử lý bằng những khung hình phạt tương ứng với hành vi. Sinh viên là những công dân đã đủ 18 tuổi, chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. Do đó, nhà trường không cần can thiệp. Nhà trường cũng đừng làm thay việc của xã hội, của các cơ quan hành pháp.
Sinh viên đến trường là để học, thì chỉ nên xây dựng quy chế xung quanh mục tiêu học đó. Còn bảo sinh viên không đóng tiền điện, tiền nhà, hay vi phạm luật giao thông… mà bị xử lý ở trong nhà trường thì vô lý.
Nhưng giảng đường cũng có nhiệm vụ giáo dục đạo đức, nhân cách cho người học?
Đúng là thế, nhưng chỉ khi nào những hành vi liên quan đến pháp luật, chịu sự chi phối của các luật khác nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà trường thì mới đặt vấn đề xử lý. Những hành vi của cá nhân trong xã hội phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật, sinh viên cũng đâu phải là ngoại lệ.
Và nếu một người đã bị xử lý về mặt pháp luật, cụ thể là tội mua bán dâm, thì chắc chắn cũng sẽ phải bị xử lý về mặt đạo đức ở trong nhà trường. Nhà trường đừng đặt vấn đề can thiệp quá sâu vào những hành vi mà đã có pháp luật điều chỉnh.
Thay vào đó thì nhà trường nên làm gì?
Hãy tập trung đào tạo kiến thức, hiểu biết pháp luật cho sinh viên để chấp hành cho tốt. Về đạo đức thì chỉ nên đưa ra những quy chế với những hành vi xảy ra trong nhà trường, chứ không nên đặt vấn đề quá rộng lớn như vấn đề ma túy, mại dâm… Quyền được học hành là quyền cơ bản của con người. Người ta ở trong tù vẫn có quyền được đi học, tất nhiên theo hình thức khác.
Điều dư luận thấy nực cười ở đây không phải là hành vi mua bán dâm, mà quy định số lần mua bán dâm. Lần thứ 4 thì mới bị thôi học. Ông có nghĩ thế?
Điều này thể hiện sự nông cạn, nông nổi, yếu kém trong hiểu biết pháp luật của người xây dựng quy chế. Mà quy chế thì về bản chất nó cũng là luật. Làm thế nào để biết đó là hành vi mua bán dâm lần thứ 4 nếu không có các cơ quan pháp luật xử lý? Không lẽ nghe lớp trưởng bảo cáo anh A, chị B đã mua bán dâm 3 lần rồi? Quy định như thế rất khó hiểu và buồn cười.
Thế là anh mặc nhiên công nhận sinh viên được phép mua bán dâm 3 lần? Trong khi hành vi này, chỉ cần vi phạm là bị xử lý, không cần biết đó là lần thứ mấy.
Phải chăng người làm quy chế muốn thắt chặt quản lý, không để hiện tượng mại dâm xuất hiện trong nhà trường?
Nếu muốn dùng pháp luật để ánh xạ hoạt động tư pháp vào giáo dục thì cần phải làm nghiêm chỉnh. Không phải làm kiểu trò đùa, làm cho thiên hạ đổ xô vào “ném đá” như vậy. Anh quy định như thế chứng tỏ anh chẳng hiểu gì về luật, về các quy định với hành vi mua bán dâm.
Nghe có vẻ hay, nhưng dở lắm
Việc quan tâm đến đạo đức sinh viên, nhất là tình trạng sinh viên tham gia vào mua bán dâm, có lẽ cũng là vấn đề các nhà trường phải giải quyết?
Đúng thế, nhưng giải quyết phải dựa trên các yếu tố của chức năng, nhiệm vụ của nhà trường. Nếu muốn giúp đỡ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có thể mở rộng đối tượng miễn giảm học phí, tăng học bổng… cho sinh viên nghèo, để một số người không vì nghèo mà sa chân vào tệ nạn, hơn là đưa ra những quy định trái khoáy.
Nghe thì có vẻ hay ho đấy, nghiêm minh đấy, sâu sát đến thực trạng đời sống sinh viên đấy, nhưng làm thì dở lắm. Làm như một trò đùa, bị xã hội lên án, dè bỉu, “ném đá” cũng đúng.
Sau khi nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội đăng tải, Bộ GD&ĐT đã gỡ bản dự thảo, dù chưa hết ngày lấy ý kiến đóng góp, phải chăng họ cũng nhận ra thiếu sót?
Cũng may mà họ gỡ đi đấy. Cũng may mà họ không bất chấp dư luận để áp dụng quy chế đó vào thực tế đấy. Nghĩa là họ cũng lắng nghe, có học hỏi để thấy rằng quy định như thế là không có căn cứ, chẳng khác nào trò chơi, trò đùa.
Chính sinh viên có khi họ cũng giễu cợt vào quy định. Ai chứng minh được họ đã mua bán dâm bao nhiêu lần, nếu họ có hoạt động mua bán dâm? Nói chung là cũng mừng vì họ đã gỡ dự thảo đi, để làm cho chuẩn chỉ hơn.
Dường như trong các phạm trù điều chỉnh của luật, thì đạo đức vẫn là thứ khó điều chỉnh nhất?
Đúng thế. Nhưng vấn đề mua bán dâm trong sinh viên không đơn giản là đạo đức, mà còn là nhận thức, nhân cách, giáo dục trong nhà trường và cả gia đình, xã hội. Lối sống hưởng thụ, đua đòi, a dua, dễ bị lôi kéo, dễ bị lừa… cũng là những yếu tố làm họ sa chân, chứ không đơn thuần là đạo đức.
Người làm luật, xin hãy hiểu luật
Qua câu chuyện này, ông có suy nghĩ gì về trình độ của người xây dựng các quy chế, quy định, một hình thức của luật?
Qua đây tôi cho rằng, người làm luật, hãy hiểu luật trước hết. Đừng làm kiểu vội vàng, áp đặt suy nghĩ chủ quan, thiếu góc nhìn toàn diện. Bởi dù là quy chế áp dụng trong một cơ quan hay luật để mọi người áp dụng thì nó cũng điều chỉnh hành vi của những người trong phạm vi đó. Hành vi đúng, sai thế nào cần được hiểu thấu đáo.
Khi xây dựng quy chế, hãy làm thật kỹ càng, đưa ra thảo luận rộng rãi, rồi hãy công bố. Đừng làm kiểu cứ tung hết lên dù chưa làm đến nơi đến chốn.
Như ông nói, rõ ràng trình độ của người xây dựng quy chế này có vấn đề?
Đúng là rất có vấn đề. Giống như quy định ngực lép không được lái xe, người ngoại thành không được mua nhà nội thành… Trình độ của một số người khi xây dựng quy chế, luật đang có vấn đề, phải xem lại. Cũng như quy trình xây dựng nội dung quy chế, luật, chưa thực sự chặt chẽ. Đã đến lúc phải xem lại những khâu này, tránh tình trạng quy định vừa đưa ra đã phải gỡ xuống.
Có nên xử lý những người làm nên sai sót này, thưa ông?
Hiện thì chưa có quy định nào về việc xử lý người xây dựng quy chế có sai sót cả.
Xin cảm ơn ông!
Trong dự thảo quy chế này, có nhiều nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật khác nhau. Đặc biệt, trong dự thảo này phần phụ lục "một số nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật học sinh - sinh viên" có nội dung sinh viên hoạt động mại dâm lần thứ 1: khiển trách, lần thứ 2: cảnh cáo, lần thứ 3: đình chỉ có thời hạn, lần thứ 4: Buộc thôi học. Còn nếu hoạt động chứa chấp, môi giới mại dâm sẽ chịu hình thức bị buộc thôi học ngay lần đầu tiên bị phát hiện vi phạm. Cùng đó bị giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Dự thảo khung xử lý kỷ luật học sinh, sinh viên cũng cụ thể nhiều nội dung vi phạm với những hình thức xử lý tương xứng, căn cứ trên mức độ vi phạm và số lần tái phạm. Việc uống rượu bia trong giờ học, say rượu bia khi đến lớp cũng chịu các mức xử lý tương tự như hoạt động mại dâm, tức vi phạm từ lần 1 đến lần thứ 4 sẽ chịu lần lượt các mức bị khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ có thời hạn, buộc thôi học.
Mức xử phạt tương tự cũng được áp dụng với các hành vi khác như: Đánh bạc dưới mọi hình thức; Tàng trữ, lưu hành, truy cập, sử dụng văn hóa phẩm đồi trụy, tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động tôn giáo trái phép; Tham gia biểu tình, tụ tập đông người, khiếu kiện trái quy định của pháp luật…