Về Lý Sơn xem lễ hội đua thuyền truyền thống ngày đầu năm
Xuân Thọ
Lễ hội đua thuyền truyền thống là một nét văn hóa đặc sắc của người dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hàng trăm năm qua, diễn ra từ mồng 4 đến mồng 8 Tết Nguyên đán.
Bốn đội thuyền đua là đại diện cho nhóm tứ linh là Long (hay còn gọi thuyền Rồng) - Lân (hay còn gọi thuyền Liên) - Quy và Phụng. Trong ảnh là đội thuyền Phụng (đi trước) và Rồng (đi sau) An Vĩnh.
Theo sử sách, lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn xuất phát từ Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, một nghi lễ nhằm tri ân ân đức của đội Hùng binh Hoàng Sa đã có công lớn trong xác lập chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) và Trường Sa (Khánh Hòa). Trong ảnh là các bô lão trong Ban Khánh tiết thực hành nghi lễ trước mỗi ngày đua thuyền.
Lễ hội đua thuyền đầu năm còn là một tín ngưỡng của người dân Lý Sơn. Họ tin rằng nếu đội thuyền của xóm mình giành được kết quả tốt, thì trong suốt năm đó họ sẽ gặp nhiều may mắn, vì thế họ rất tích cực cổ vũ cho đội thuyền xóm mình.
Người dân Lý Sơn nô nức xem đua thuyền. Họ cổ vũ hết mình cho đội thuyền đua của xóm mình.
Đua thuyền là nét văn hóa biển này rất đặc sắc khi tồn tại hàng trăm năm qua. Các vị bô lão đúc kết như sau: Nếu thuyền Rồng về nhất, năm đó dường như có sự đổi mới toàn bộ; thuyền Lân về nhất xã có sự thay đổi về mặt xã hội; thuyền Quy về nhất sẽ làm ăn thuận lợi cả biển và nông nghiệp; còn thuyền Phụng về nhất thì cả nghề biển và nghề nông trong năm đó sẽ cực kỳ phát đạt.
Vào các ngày từ mồng 4 đến mồng 7 Tết, đua thuyền diễn ra tại 2 nơi khác nhau là vùng đua An Vĩnh và An Hải với 4 đội thuyền đua đại diện cho 4 xóm của mỗi xã. Đến ngày mồng 8 Tết, 8 đội thuyền đua sẽ tề tựu đông đủ tại vùng biển trung tâm huyện để đua.
Vào ngày mồng 8 Tết, sẽ diễn ra 2 lượt đua. Ở lượt đua đầu tiên mà người dân lý Sơn còn gọi là “đua 8 chiếc”, sẽ có sự tham dự đầy đủ của các đội thuyền đua đến từ 2 vùng An Vĩnh và An Hải. Cả 8 đội thuyền đua phải bốc thăm ngẫu nhiên hoa tiêu xuất phát của mình. Sau lượt đua đầu tiên, 4 đội thuyền đua có thành tích tốt nhất sẽ bước vào vòng đua thứ 2 mà người dân địa phương còn gọi là “đua chung cuộc” hay “đua tranh vô địch”. Đội thuyền nào giành chiến thắng ở lượt đua này, sẽ lên ngôi vô địch.
Do vùng nước của hai vùng An Vĩnh và An Hải nông - sâu khác nhau, nên việc đua thuyền không diễn ra cùng lúc mà chênh nhau. Thường thì ở An Hải sẽ đua thuyền trước An Vĩnh khoảng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ.
Về đích! Khi nào thuyền nào về đích đầu tiên, hay thắng đối thủ cạnh tranh trực tiếp, sẽ giở dầm (chèo) như một thông báo, cũng là hành động ăn mừng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Sôi động 5 lễ hội đặc sắc trên thế giới trong tháng 1: